Có đến những thành phố du lịch mới thấy, ở các tụ điểm đông khách nước ngoài, đội quân hàng rong, người lớn, trẻ em nói tiếng nước ngoài như gió.
Nhiều người ngạc nhiên, nếu trước đây “đội ngũ hè phố” này sử dụng tiếng Anh thành thạo, rồi khách Nga đến nhiều, chỉ một thời gian ngắn, không hiểu họ học cách nào mà hòa nhập nhanh, tiếng Nga cũng “bắn” không thua gì tiếng Anh. Và, khi khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam bắt đầu đông thì họ vẫn đáp ứng được tiếng Hoa nói “như ăn gỏi”. Chỉ là một ví dụ nhỏ, để thấy, khả năng con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng bắt nhịp được với cuộc sống để sinh tồn.
Đóng cánh cửa này sẽ có một cánh cửa khác mở ra là vậy. Nhìn lại ngành bưu điện chẳng hạn, thời bao cấp, nhân viên ngành này “chảnh hết biết”, lương thuộc hàng “top” trong các ngành dịch vụ thuộc cơ quan nhà nước. Từ những dịch vụ như chuyển thơ (nhanh, bảo đảm), chuyển tiền, quà, phát lương hưu… Tất cả mọi hoạt động chuyển – phát trong xã hội đều nhờ vào bưu điện.
- Xem thêm: Tự cân bằng
Rồi, các công ty chuyển phát hàng hóa tư nhân ra đời, các nhà xe cũng tham gia vào quá trình giao nhận hàng hóa, nhanh chóng, cước phí rẻ. Khi ấy, ngành bưu điện bắt buộc phải thu hẹp hoạt động, tinh giảm nhân viên. Internet, ATM phát triển, dịch vụ thư tín/chuyển tiền còn rất ít, chủ yếu là các công văn nhà nước hay các dịch vụ thư tín, hàng hóa… đến vùng sâu, vùng xa. Bưu điện mất đi khá nhiều dịch vụ.
Tuy nhiên, sau một thời gian giảm sút các hoạt động, ngành bưu điện tuy không huy hoàng như trước nhưng việc bây giờ cũng khá nhiều từ dịch vụ bán hàng online. Ra các bưu cục vào cuối giờ chiều có thể thấy điều này với đội ngũ nhân viên tối mặt các đơn hàng, đóng gói, phân loại hàng hóa.
Chính sự nhạy bén của con người tạo cho xã hội một chuyển động không bao giờ ngưng trệ. Bởi thế, không có gì phải bi quan khi đứng trước một con đường hẹp. Chính trong lối hẹp đó, luôn có những điểm sáng tìm ra lối thoát.
Nhìn tổng thể trong xã hội có thể thấy một điều, bất cứ ngành nào nếu có lúc hưng thịnh thì cũng có lúc suy, đó là quy luật tự nhiên của sự phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của con người song song với sự tiến bộ của công nghệ. Khi mà các sản phẩm công nghệ ngày một nhiều chức năng tối ưu thì việc thay mới sẽ là sự chọn lựa của người tiêu dùng hơn là việc sửa chữa.
Nên, có nhiều cha mẹ than thở con cái học ngành sửa chữa thiết bị không có việc làm, phải chuyển sang mua bán. Do đó, việc chọn ngành nghề đôi khi còn là phụ thuộc vào may rủi, bây giờ ngành đó “hot”, nhưng học xong, ra trường nhân sự lại bão hòa!
Từ xã hội rộng lớn, nhìn vào gia đình nhỏ bé, mới thấy, con người tham gia vào guồng chuyển động, dừng lại sẽ bị bỏ lại hoặc gây nguy hại cho mình. Ai cũng có ước muốn và vươn lên. Chỉ cần một trong bốn người (gia đình) có ý nghĩ dừng lại hay buông xuôi sẽ kéo gia đình chuyển động chậm lại và có nguy cơ rơi vào tụt hậu.
Cô vợ kể chuyện, vì yêu cầu công việc, bắt buộc vị trí của cô phải có thêm tấm bằng cao học. Vừa không được sự ủng hộ của chồng, cô vừa cáng đáng hết việc nhà và ôm luôn hai đứa con nhỏ. Nín thở rồi cũng qua. Lấy xong tấm bằng cao học, cô quyết tâm thay đổi tư duy của chồng để có một sự chuyển động hài hòa trong gia đình.
- Xem thêm: Tìm sự cân bằng khi sống chung
Thế nhưng, quyết tâm của cô thất bại và họ phải chia tay, do anh chồng ù lì, ỷ lại và không nỗ lực vươn lên. Lý do cô đưa ra là có thể chấp nhận một người buông xuôi, không nghị lực, thà làm cái bóng nhưng không thể chấp nhận người ấy kéo cỗ xe đi xuống vì những thói quen không giúp ích cho vợ con như sa đà nhậu nhẹt, chẳng bao giờ đưa đón con đi học, nói gì đến chỉ dạy con cái học hành…
Xã hội đa dạng và chuyển động nhanh, đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải linh hoạt, nắm bắt được xu thế của xã hội; đồng thời giữ được bình yên một khi bước về nhà, bỏ công việc như để giày dép ngoài cửa, đó mới là thế cân bằng.