Với 31 sân golf đang hoạt động và hàng chục dự án khác, vấn đề nhân lực phục vụ trong ngành golf tại Việt Nam hiện tại và trong tương lai đã trở thành một thách thức rất lớn đối với sự phát triển của ngành này.
Chất lượng và hiệu quả của hoạt động đào tạo nhân lực quyết định sự phát triển mọi mặt của đất nước, ngành golf cũng không phải là một ngoại lệ.
Ngay cả các quốc gia có môn thể thao golf phát triển từ lâu đời, nhu cầu về nguồn nhân lực trung và cao cấp golf chưa khi nào giảm, ngay cả trong những thời điểm kinh tế suy thoái nhất.
Mới du nhập golf trong hai thập niên qua, tất nhiên Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn với vấn đề nhân lực mà việc tìm ra giải pháp hợp lý đang là bài toán hóc búa đối với các nhà quản lý, những người làm chính sách và cả những người có tâm huyết với môn golf.
Tình trạng nhân sự sân golf
Trung bình một câu lạc bộ golf có quy mô 18 lỗ tại Việt Nam với nhiều hạng mục đi kèm cần 400-600 nhân viên (riêng sân golf Đồng Mô có tới 800 lao động) tại hàng chục bộ phận, trong đó có những vị trí quan trọng, ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như uy tín của nhà đầu tư như tổng quản lý, giám đốc marketing, giám đốc golf, giám đốc bảo dưỡng, chăm sóc mặt sân (course superintendent, maintainance), phụ trách huấn luyện caddy…
Kinh doanh golf nói chung và kinh doanh sân golf nói riêng tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển ban đầu nên đến nay vẫn chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên môn, các sân chủ yếu phải tự tìm kiếm và đào tạo nhân sự. Một sân golf khi đi vào hoạt động thì nhân vật điều hành quan trọng nhất là tổng quản lý. Người đó thường là một tay golf chuyên nghiệp có chứng chỉ quốc tế, đảm nhận việc lên kế hoạch hoạt động, lên bộ khung nhân sự, tìm kiếm và đào tạo các vị trí chủ chốt khác. Quá trình tuyển dụng và đào tạo luôn diễn ra và được các sân golf đặt lên ưu tiên hàng đầu. Đáng chú ý là dù trong hoàn cảnh chưa thuận lợi nhưng đã có những sân golf làm rất tốt điều này.
Hoạt động lâu năm nhất tại miền Bắc nên sân golf Đồng Mô được coi là nguồn cung cấp nhân sự cho các sân golf trên toàn quốc. Tại phía Nam, sân golf Vietnam Golf & Country Club và sân Sông Bé là hai nơi đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cho các sân golf mới đi vào hoạt động. Rất nhiều người đang làm việc tại các sân golf hiện nay từ Bắc vào Nam đều xuất phát từ các sân golf này, trong đó một số người đang nắm giữ những vị trí then chốt.
Với một sân golf hoạt động từ lâu năm thì vấn đề nhân sự có thể giải quyết dễ dàng hơn, dù có thể vẫn xảy ra tình trạng nhảy việc ở các vị trí chủ chốt hoặc nghỉ việc tại những vị trí lao động giản đơn. Lý do là họ đã có kế hoạch chuẩn bị đội ngũ kế cận, người đã qua rèn luyện được đôn lên vị trí quản lý và người mới được tuyển dụng, qua đào tạo sẽ được trám vào những vị trí còn khuyết. Ở những sân golf mới hoạt động, khi bộ máy nhân sự còn chưa ổn định thì vấn đề này thực sự nan giải.
Tìm kiếm được nhân sự cho vị trí chủ chốt nhất đã khó, tìm được người có kinh nghiệm, hòa hợp với cấp dưới, và giữ chân được họ lại khó gấp bội, cho dù các chủ doanh nghiệp phải trả những mức lương bổng kèm những chế độ đãi ngộ hậu hĩnh, thu nhập hằng tháng của những đối tượng này dao động tương đương từ 5 đến 12 ngàn USD. Tiếp đến là vị trí bảo dưỡng, bảo trì sân, có mức lương trung bình tương đương từ 3 đến 5 ngàn USD.
Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, nhiều vị trí bảo dưỡng sân đã do người Việt Nam đảm nhiệm và hiệu quả làm việc của họ không hề thua kém chuyên gia nước ngoài, nhất là tại những sân golf ở phía Nam. Bên cạnh đó là một số sân như Heron Lake, Tam Đảo, Long Thành, Sea Links… đã xuất hiện giám đốc điều hành là người Việt Nam.
Tình trạng nhảy việc
Khi một sân golf đi vào hoạt động ổn định, sau vài ba năm sẽ xuất hiện tình trạng nhảy việc không chỉở các vị trí cấp cao, mà còn cảở các vị trí bình thường. Dễ dàng nhận thấy nhất là các sân golf thường tìm cách chiêu mộ nhân sự chủ chốt của nhau. Một tổng quản lý làm việc tại một sân golf được vài năm hiện nay đã được xem là “có thâm niên”, trong khi mỗi năm cả nước có thêm khoảng ba, bốn sân golf mới, vậy thì những sân golf ấy lấy nhân lực từ đâu?
Ngày càng có nhiều chuyên gia golf nước ngoài sang Việt Nam đảm nhiệm những vị trí chủ chốt, trong khi đó tình trạng di chuyển nhân sự cao cấp giữa các sân golf thường xuyên xảy ra. Những tổng quản lý làm việc lâu năm tại Việt Nam đang trở thành những mục tiêu lôi kéo hàng đầu. Do không có nhiều lựa chọn, chủ doanh nghiệp vẫn sẵn sàng trả lương bổng cao để chiêu mộ những đối tượng này về làm việc cho họ. Tuy nhiên, số này cũng không nhiều do một số tổng quản lý sau một thời gian làm việc vì muốn thay đổi môi trường đã quyết định giải nghệ, chuyển sang những vị trí khác hoặc đến nước khác làm việc như Jeff Puchalsky, Lars Holden, Joe Millar… Trong phần còn lại cũng có nhiều người chuyển sang các sân khác thực hiện vai trò tương tự, tiếp tục phát huy sở trường của mình là thiết lập tổ chức nhân sự và điều hành hoạt động sân golf. Giữ kỷ lục trong hướng này là Robert Bicknell. Với thâm niên 20 năm, ông đã là tổng quản lý tại ngót chục sân golf trên toàn quốc.