1. Có một dạo, chỗ tôi hay ngồi nhìn ra sông là một quán cà phê ở Lái Thiêu, cách nhà… 17km. Nơi này có mặt sông thoáng, rộng. Phóng tầm mắt qua bờ bên kia vẫn còn thấy một màu xanh đậm dày, chạy dài; tuy không nhiều bóng cò nhưng tuyệt vời hơn nữa là có một bến sông tiếp giáp với con kênh dẫn vào thị xã. Tại đây tôi có thể quan sát tàu ghe ra vô, xoay trở tới lui, rời đi hay về bến.
Bên kia kênh là nơi tập kết hàng gốm sứ và nhiều mặt hàng khác như giỏ, rổ, mây tre lá, thủ công… Tôi ghi lại bức tranh nhiều màu sắc mô tả đến từng chi tiết của cuộc sống như dây phơi quần áo, xoong nồi, rổ chén, lu nước, lọ mắm, hũ tương… trên những chiếc ghe hàng qua máy hình zoom hết cỡ. Thuyền chất đầy hàng lại rời đi, thuyền khác ghé vào có khi là bỏ hàng xuống. Không tấp nập, vội vã, cảm giác mọi thứ như một chuyển động đều theo thời khóa biểu quy ước.
Ghe, thuyền, sà lan xuôi ngược trên sông thường khiến tôi nhớ bài hát Dòng sông xanh, lời Việt của Phạm Duy: “Sông về sông dào dạt ý. Hát tang bồng theo tầu mà đi. Ai giang hồ sau nghìn hải lý. Lỡ tình duyên nơi đâu đó ghé qua kinh kỳ”, hay “Ngày ấy có tiếng anh khoan hò thuyền về. Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè. Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về. Nước sông miên man trôi đi…” tạo cho tôi cái nhìn thi vị hơn về cuộc đời lao động trên sông nước.
Thỉnh thoảng, nhìn xa bên kia sông tôi lại thấy những chiếc ghe chở cỏ cao nghệu, và nếu những chiếc ghe ấy không vào, ra mất hút sau lùm cây xanh thì tôi không thể nào biết được nơi đó có một ngã ba sông. Tôi zoom máy hình về phía ấy và thấy một cái quán, bờ đối diện có một cái miếu nhỏ. Mở điện thoại vào ứng dụng bản đồ, biết đấy là nơi sông Vàm Thuật đổ ra sông Sài Gòn.
Một lần lười biếng đứng lên ra về, chúng tôi ngồi “nhây” đến trưa và hay làm sao thấy được dòng nước đổi chiều. Nước xuôi chậm, bỗng dưng những dề lục bình như từ từ đứng lại thật lâu và rồi chúng quay vòng tròn thật nhẹ, đến nỗi phải một lúc tôi mới nhận ra dòng nước đang đổi chiều khi cái vòng tròn dần giãn rộng và trôi về phía ngược lại. Người ta thường chỉ thấy bề mặt để phán đoán sự việc. Đôi khi có thể đúng mà cũng có thể sai. Làm sao biết được bên dưới lòng sông có dòng xoáy nào gây ra hiện tượng tự nhiên này hay đơn giản chỉ là nước lên xuống, xuôi ngược cả ngày, ngàn năm nay đã thế? Tự nhiên có quy luật của nó mà do con người thích can thiệp vào quy luật này mới khiến thiên nhiên nổi giận?
Tôi lại nhìn về bờ bên kia, nơi có ngã ba sông. Một chiếc ghe chở cỏ dừng lại trước cái quán một lúc rồi từ từ rời đi. Sông trưa buồn buồn, man mác, uể oải nhưng bình yên.
2. Từ đó tôi hay chú ý đến những ngã ba sông mỗi khi có dịp. Những chiếc ghe khuất sau vòm cây xanh với những chiếc nón lá, áo bà ba, những người đi chợ về, cũng có khi là balô, cặp sách, quần xanh, áo trắng học trò. Trên chuyến phà trưa qua sông Cổ Chiên dường như chỉ mình tôi thấy rung động, xao xuyến với bức tranh sông êm đềm này còn đa phần là những gương mặt mỏi mệt, nôn nóng, chờ đợi hay cam chịu, nhiều tâm trạng!
Bức tranh sông, với tôi còn có một buổi chiều bên bờ sông dưới chân cầu đường cao tốc qua sông Đồng Nai. Tiếng rì rầm của động cơ bên trên như vọng về từ một nơi chốn nào xa xăm không đánh thức được sự tĩnh lặng của dòng nước bên dưới. Ở một ngã ba sông có chiếc ghe nằm đợi. Trên ghe có một người đàn ông ngồi tựa vào thành ghe và hút thuốc, mắt nhìn xa xăm. Bí mật tuyệt đối của con người là suy nghĩ, không ai có thể đọc hay (chủ quan cho rằng) nắm bắt được ý nghĩ người khác. Bên dòng nước quen thuộc từng bụi cây, lùm cỏ, người đàn ông ấy nghĩ gì hay không nghĩ gì làm sao tôi biết được. Sông buồn hay vui? Hay chỉ là chốn mưu sinh qua ngày của kiếp người, nhiều thế hệ?
Một chiếc xuồng máy từ bên trong lạch phạch chạy ra, nước nối theo đùa giỡn. Nắng chiều không đủ làm màu mây sáng lên. Trên cao tốc làn xe vút trôi để lại tiếng vọng âm âm kéo dài không dứt như tiếng kinh cầu. Ghe, tàu, sà lan xuôi ngược làm nên bức tranh sông vừa êm đềm, vừa hiện đại, cảm giác như trong cái bình yên có sự giằng co níu kéo, được mất, hơn thua…
3. Vậy mà, một lần từ trên tàu chở khách du lịch bước lên cù lao Lân ở Mỹ Tho. Vừa thoáng thấy một ngã rẽ tôi bật thốt lên với chị bạn đi cùng: “Ngã ba sông”. Anh hướng dẫn viên liền quay lại: “Người ta không gọi đây là ngã ba sông”. Tôi hỏi: “Vậy chứ gọi là gì, không phải là một (cái) ngã ba trên sông sao?”. Anh hướng dẫn viên giải thích: “Ngã ba sông là nơi hai con sông gặp nhau. Người ta chỉ gọi đây là rạch hay kênh”. Tôi hỏi tiếp: “Thế thì hẹn nhau ở một ngã ba thế này người ta nói thế nào?”. Thêm một câu giải thích nữa: “Người ta sẽ nói là gặp nhau ở đầu rạch, cuối rạch, hay giữa rạch”.
Bức tranh sông của tôi bỗng dưng nhỏ lại, ngùi ngùi. Những chiếc nón lá, áo bà ba, người đàn ông ngồi hút thuốc… lâu nay tôi vẽ cho mình bỗng thành hư ảo. Mà, kỷ niệm nào trong đời rồi sẽ không hư ảo khi nó nằm trên con đường chúng ta đi, lướt qua và bỏ lại, có duyên mới gặp được vài lần.
Tôi nhớ những ngã ba sông của riêng tôi, đánh dấu có lần mình đã qua, ghé lại, quan sát, nhìn ngắm, nghĩ suy. Cuộc sống có biết bao điều mà hết đời dài mới thấy những trải nghiệm của mình chỉ là hạt cát trong sa mạc. Cuộc đời còn đẹp bởi phía trước có quá nhiều bí ẩn cho mình khám phá, chiêm nghiệm.
- Ảnh Quốc Huy
Xem thêm: