Anh Phạm Minh Quang, một người có vóc dáng thư sinh đang làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Singapore, đã trở thành vận động viên Việt Nam đầu tiên giành được chiếc vé chính thức tham dự giải Vô địch thế giới (VĐTG) Ironman 70.3 2017 tại Chattanooga (Mỹ) vào tháng 9 tới sau khi hoàn thành cuộc đua Ironman 70.3 Subic Bay (Philippines). Đây thật sự là tin vui cũng là niềm tự hào chung cho cộng đồng ba môn phối hợp nước ta. Anh Phạm Minh Quang từng là vận động viên có thành tích thi đấu tốt nhất tại giải Ironman 70.3 Vietnam ở Đà Nẵng năm 2015. Anh quan niệm rằng cuộc sống không phải là cuộc thi chạy nước rút 100m mà là một chặng đường dài, chúng ta có thể có xuất phát điểm thấp hơn người khác, nhưng nếu kiên trì phấn đấu sẽ có lúc bạn đuổi kịp mục tiêu. Nhớ về cuộc đua Ironman 70.3 Subic Bay (Philippines), anh cho biết:
Thành tích của tôi tại Ironman 70.3 Subic Bay là khoảng 5 giờ 50 phút, nhanh hơn 30 phút so với lần thi gần nhất. Có thể nói, quá trình luyện tập cũng đạt một số kết quả nhất định nhưng lọt vào Top 15 không phải là kết quả khiến tôi hài lòng. Cuộc thi lần này có khá nhiều tình huống bất ngờ gây ảnh hưởng đến thành tích của tôi. Trước tiên, xe của tôi có chút vấn đề nên đạp không nhẹ nhàng như lúc tập. Trong khi thi đấu, do điều kiện đường sá không tốt nên trong quá trình chạy, tôi đã đánh rơi tất cả thực phẩm hỗ trợ, điều này gây ảnh hưởng lớn đến thành tích. Nếu không gặp những vấn đề này, tôi nghĩ thành tích của tôi có thể nằm trong Top 10.
Nhưng dù chỉ lọt vào Top 15, anh vẫn giành được suất tham dự giải VĐTG, đây đã là một thành tích ngoài mong đợi?
Tôi nghĩ đây cũng là một may mắn. Các suất tham gia giải VĐTG đã được bắt đầu trao từ tháng 10 năm ngoái nên cho tới hiện tại cũng có khá nhiều vận động viên (VĐV) trong nhóm đầu đã có suất. Ngoài ra, nhóm VĐV tuổi từ 30-34 như tôi khá đông nên có nhiều suất hơn các nhóm khác. Tôi quan niệm may mắn cũng là một phần tất yếu trong thể thao, tuy nhiên chúng ta phải tập luyện hết mình và hy sinh nhiều thứ mới nắm bắt được may mắn đó.
Điều gì thôi thúc anh kiên trì tập luyện theo kế hoạch, vượt qua được những thời điểm khó khăn?
Tôi bắt đầu tập luyện nghiêm túc khoảng gần một năm trở lại đây. Tôi thường viết ra giấy các mục tiêu cần hoàn thành vào đầu năm, đến cuối năm thì kiểm tra lại xem mình hoàn thành được bao nhiêu việc. Trong năm nay, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất đó là giải VĐTG Ironman 70.3. Tuy nhiên, trong trường hợp không đạt được mục tiêu này thì tôi sẽ cố gắng giành vị trí cao nhất trong giải Challenge Việt Nam với hy vọng có suất tham gia giải Challenge Roth nổi tiếng. Rất may là tôi đã hoàn thành mục tiêu này!
Là một nhân viên “cổ cồn”, anh đã sắp xếp công việc, gia đình như thế nào để có đủ thời gian để tập luyện cả ba môn chạy bộ, bơi lội, đạp xe?
Việc sắp xếp thời gian luyện tập là vấn đề của tất cả các VĐV ba môn phối hợp, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp, nhất là khi bạn có gia đình. Trung bình, tôi luyện tập khoảng 12 giờ mỗi tuần, lúc cao điểm có thể lên 18 giờ. Mỗi ngày, tôi có một, hai buổi tập kéo dài 1,5 đến 2,5 giờ, phần lớn là vào buổi tối sau khi đi làm về hoặc buổi sáng sớm.
Khó nhất với tôi là làm sao để vừa có thời gian tập luyện lại có thời gian dành cho gia đình. Giải pháp của tôi là cùng vợ con lập thời gian biểu luyện tập. Đối với những người bận rộn, nếu bắt đầu tập với mục tiêu hoàn thành cuộc thi thì không cần mất quá nhiều thời gian. Mỗi tuần bạn tập khoảng bảy giờ cũng tạm đủ.
Tôi sợ nhất là các buổi tập chạy tốc độ cao 14 – 16km với vận tốc biến đổi ngay sau khi đạp xe từ 90km đến 120km. Thông thường đó là vào lúc 12 giờ hoặc 13 giờ với thời tiết bên ngoài khoảng 30 độ C. Cũng may những buổi tập như vậy đã rèn luyện cho tôi biết chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi thi đấu, cũng như giúp tôi hoàn thiện sách lược sử dụng dinh dưỡng trong khi thi đấu.
Sau tất cả, ba môn phối hợp mang lại cho anh những gì?
Tôi nghĩ môn thể thao này dạy tôi nhiều điều về cuộc sống. Tôi thích sự trong sáng của thể thao khi mỗi chúng ta cạnh tranh một cách lành mạnh để vượt qua bản thân và vượt qua đối thủ và đạt đến một tầm cao mới. Ngoài ra tôi cũng nghĩ môn thể thao này cũng giống như cuộc sống hằng ngày vậy. Cuộc sống không phải là cuộc thi chạy nước rút 100m mà là một chặng đường dài. Bạn có thể có xuất phát điểm không bằng người khác, nhưng nếu kiên trì phấn đấu sẽ có lúc bạn đuổi kịp mục tiêu. Và khi có người khác chắn đường bạn thì bạn phải tiếp tục tiến tới và vượt qua họ. Đến khi đạt được mục tiêu nhưng nếu bạn dừng lại thì sẽ bị người khác vượt lên ngay lập tức nên bạn phải phấn đấu để tiếp tục chạy về đích.
Nhiều người nghĩ chơi và thi đấu được ở các giải triathlon rất tốn kém, theo anh thì sao?
Tôi không nghĩ vậy. Chrissie Wellington, VĐV bốn lần vô địch thế giới Ironman 140.6 ở Kona (Hawaii) bắt đầu tập bằng chiếc xe đạp cũ kỹ. Ở Việt Nam, anh Nguyễn Văn Thu, người đứng đầu nhóm VĐV người Việt ở giải Challenge Nha Trang 2016, cũng chỉ dùng đôi giày và chiếc xe có “tuổi thọ” 25 năm. Tôi quan niệm là với VĐV không chuyên thì quan trọng nhất là phải có thể lực, thiết bị là yếu tố phụ thôi.
Tôi là “dân tài chính” nên đã lập ngân sách khá chi tiết. Mỗi tháng, tôi dành khoảng 220 USD cho thể thao, trong đó bao gồm cả chi phí thuê huấn luyện viên là 170 USD.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
- Mai Linh