Khi nghe cô bạn thân nói sẽ đến Cebu học tiếng Anh trong sáu tháng vì tính cả chi phí đi lại, ăn ở thì vẫn rẻ hơn ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi cứ tưởng ở đó là một hòn đảo hẻo lánh nào của Philippines.
Tìm hiểu mới biết đây là thành phố lớn thứ hai của quốc gia Đông Nam Á này, chỉ sau thủ đô Manila, còn được mệnh danh là “Nữ hoàng của miền Nam”. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã đem lại cho Cebu cơ hội khai thác những tiềm năng về du lịch và giáo dục, trở thành một trung tâm thương mại năng động của đảo quốc này. Đây cũng là nơi nhà thám hiểm nổi tiếng Ferdinand Magellan đã đặt chân tới hồi thế kỷ XVI, truyền bá đạo Thiên Chúa và để lại dấu ấn là một cây thánh giá còn được gìn giữ tới ngày nay. Không chỉ in đậm sự giao thoa của vẻ hiện đại và nét cổ xưa, giữa truyền thống Philippines và dấu ấn Tây Ban Nha, Cebu còn có những hòn đảo đẹp cùng các dãy núi sừng sững giữa thành phố, thu hút được nhiều du khách tứ phương. Những điều đó đã thôi thúc nhóm bạn chúng tôi cùng nhau làm một chuyến “du lịch bụi” đến chốn “không gần mà cũng chẳng xa” ấy.
Dấu ấn của người Tây Ban Nha ở “thành phố Nữ hoàng”
Từ Việt Nam chưa có đường bay thẳng tới Cebu nên chúng tôi phải quá cảnh tại thủ đô Manila rồi bay tiếp tới đảo Mactan, nơi nối liền với Cebu bằng một cây cầu và khi đã qua cầu, chỉ tốn khoảng 30 phút đi xe là đến trung tâm thành phố.
Ở Philippines, do có tới 90% dân số theo Kitô giáo nên nhiều nhà thờ đã tồn tại rất lâu. Cebu cũng là nơi đánh dấu sự ra đời của đạo Thiên Chúa ở châu Á. Basilica Santo Niño – một trong những nhà thờ cổ nhất ở nước này được xây dựng từ năm 1565, nay trở thành điểm tham quan nổi tiếng nhất Cebu. Hôm chúng tôi đến là Chủ nhật nên dân chúng đến hành lễ rất đông, nhiều người phải đứng bên ngoài nhà thờ. Những bản thánh ca du dương vang lên trong tiếng dương cầm quyến rũ. Tiếng cầu kinh rì rầm, tiếng cha giảng đạo sang sảng thật ấn tượng. Ở quảng trường lớn, tại nơi đặt cây thánh giá cổ do Magellan dựng, rất đông du khách người Trung Quốc, người Hàn Quốc đến chụp ảnh.
Không xa nơi ấy là pháo đài cổ San Pedro với những nòng pháo thần công trên tháp cao hướng xuống một quảng trường rộng lớn. Từ pháo đài này, cách đây mấy trăm năm, các họng pháo đã nhả đạn để bảo vệ thành phố trước bọn cướp biển. Tất cả các di tích còn sót lại đều được trưng bày trong phòng bảo tàng dưới tầng hầm của tòa tháp cổ, trong đó có cả những văn bản bằng tiếng Tây Ban Nha, tranh ảnh và nhiều tác phẩm điêu khắc.
Trên ngọn đồi cao nhất của thành phố, sát một công viên cây xanh có nhiều tòa biệt thự của giới nhà giàu là một ngôi chùa theo phong cách Trung Hoa do người Hoa di cư đến đây xây dựng. Ở độ cao 300 mét so với mực nước biển, từ ngôi chùa có thể mở tầm nhìn rất rộng xuống thành phố Cebu. Khuôn viên chùa bát ngát màu xanh của cây cỏ, đặc biệt là rất nhiều hoa giấy. Cảnh đẹp hệt như tranh vẽ.
Chúng tôi đi ngang qua trường đại học đầu tiên của Philippines là một tòa nhà xây dựng theo phong cách châu Âu. Cạnh đó là viện nghiên cứu khoa học đặt trong một tòa nhà hiện đại có tháp nhọn chọc thẳng lên bầu trời. Điều này chứng tỏ Cebu đã và đang là một trung tâm giáo dục, khoa học và văn hóa lớn của Philippines. Tại đây có nhiều sinh viên đến từ các quốc gia châu Á để học tiếng Anh vì người Philippines từ anh lái xe, chị bán hàng rong… tất cả đều nói thông thạo ngôn ngữ quốc tế này. Cũng nhờ thông thạo tiếng Anh, hàng vạn lao động người Philippines dễ dàng tìm được việc làm ở nước ngoài và nguồn ngoại tệ họ gửi về để giúp đỡ gia đình chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng thu nhập quốc gia.
Trở về trung tâm thành phố, chúng tôi ghé thăm chợ Cacbon trên con đường Colon cổ xưa nhất của Cebu. Nơi đây cũng giống như khu vực Chợ Lớn của TP. Hồ Chí Minh, các cửa hàng bày bán đủ thứ, nào vải vóc, đồ gia dụng, nào mỹ phẩm, giày da cũng như các loại thực phẩm, rau củ, trái cây. Người mua kẻ bán tấp nập trên vỉa hè khá rộng, còn dưới lòng đường, những chiếc taxi, nổi bật là xe Jeepney, cứ chạy nối đuôi nhau.
Jeepney là loại xe Jeep của Mỹ để lại sau khi rời khỏi vịnh Subic, được người Philippines hoán cải thành những xe chở khách cỡ nhỏ, gồm hai hàng ghế dọc hai thành xe, mỗi hàng chứa được chục người. Xe được sơn màu sặc sỡ, có lẽ để thu hút hành khách. Khắp các phố phường, đâu đâu cũng thấy Jeepney. Chúng len lỏi vào tận các ngõ ngách của thành phố hơn 3 triệu dân này để đón và trả khách. Jeepney đã trở thành thương hiệu của Philippines nên ở sân bay, tại quầy bán đồ lưu niệm cũng có những chiếc Jeepney làm bằng đất nung méo mó, được sơn phết lòe loẹt như những chiếc xe thường thấy trên đường.
Xưa kia, khi đến Philippines, người Tây Ban Nha đem theo chiếc guitar truyền thống của họ và nhạc cụ này đã nhanh chóng chinh phục được dân bản xứ. Đến nay, guitar vẫn là loại nhạc cụ không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa lễ hội của người Philippines. Tại Cebu có rất nhiều cửa hiệu bán đàn guitar. Đến đâu, du khách cũng có thể nghe tiếng guitar vang lên như những lời chào đón thân tình. Du khách có thể mua được nhiều loại quà lưu niệm, từ những món hàng thủ công rẻ tiền cho đến những mặt hàng nhập khẩu cao cấp tại các trung tâm nổi tiếng của thành phố như SM City, Ayala Center, Robinson, Caisano hay tại các cửa hàng mua sắm ở các khu du lịch. Đặc sản địa phương được nhiều người chuộng là pasalubongs (xoài khô), danggit (cá khô giòn), bánh quy otap, đàn guitar, hàng thủ công mỹ nghệ…
Chơi đùa với cá mập voi
Cebu nổi tiếng với những bãi biển cát trắng, nước trong xanh, được điểm xuyết bởi những hàng dừa duyên dáng. Các bãi biển tại Cebu được ví là “vương miện của nữ hoàng” vì tập trung nhiều resort, khu nghỉ mát cao cấp cùng các dịch vụ chuyên nghiệp, đủ sức chiều lòng những vị khách khó tính nhất. Nhiều gia đình người Hàn Quốc, Nhật Bản thích chọn nơi đây để nghỉ dưỡng, thưởng thức hải sản tươi rói và tận hưởng cảm giác mạnh khi tham gia các hoạt động lặn biển để khám phá các rạn san hô, nhất là bơi cùng cá mập voi (whale shark) ở Oslob.
Oslob là một thị trấn nhỏ yên bình nằm ở phía nam Cebu, cách trung tâm khoảng 100km. Nhiều năm trước, nơi đây chỉ phát triển hai nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản nhưng nay đã phát triển thành một trung tâm lặn cùng cá mập voi nổi tiếng thế giới. Dịch vụ mới này được hình thành và phát triển cách đây khoảng năm năm, thế nhưng đã nhanh chóng giúp Oslob trở thành điểm du lịch quốc tế, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm. Điểm đặc biệt của tour du lịch lặn cùng cá mập voi là người tham gia chắc chắn gặp được loài động vật quý đó. Bí quyết giúp Oslob trở thành nơi hiếm hoi trên thế giới dễ dàng quan sát và làm bạn với cá mập voi là một số ngư dân có cách dùng thức ăn để dụ loài cá này vào bờ. Tuy nhiên, hằng ngày, thời gian bơi cùng cá mập voi chỉ từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa vì sau đó, cá đã ăn no nên quay trở lại đại dương.
Cá mập voi như tên gọi, rất to lớn, chiều dài chừng 12m, nặng ít nhất 30 tấn, chỉ phần đuôi đã dài bằng con người. Một cú quất mạnh đuôi của chúng có thể gây sát thương, nhưng rất may là thông thường chúng không thể hiện sức mạnh khi bơi quanh con người, thậm chí rất hiền lành khi thấy các thợ lặn bơi đến gần cung cấp thức ăn là tôm, mực, tảo, các loài nhuyễn thể… Dù sao thì khách muốn bơi cùng cá mập voi luôn có hướng dẫn viên bên cạnh để đảm bảo an toàn. Khách không biết bơi cũng không sao vì các hướng dẫn viên sẽ dìu và còn hỗ trợ khách chụp hình cùng cá. Thợ lặn và du khách phải giữ khoảng cách tối thiểu là 1,2m với cá mập voi. Nếu chạm phải con cá nào đó, du khách sẽ bị phạt một khoản tiền tương đương 1,2 triệu đồng, thậm chí có thể ngồi tù. Trước khi xuống nước, du khách phải tuân thủ quy định rửa sạch kem chống nắng trên người. Mục đích là tránh cho vùng nước nơi đây không bị ô nhiễm.
Theo từng nhóm mười người, du khách được đưa lên những chiếc thuyền tí hon trông như thể sẽ lật úp ngay nếu như chúng tôi làm sai một động tác nào. Lái thuyền chèo đi vài phút trước khi nổ máy rồi cho thuyền đi chầm chậm thêm khoảng năm phút nữa cho tới khi gặp nhóm người đầu tiên. Anh ta tắt máy, vui vẻ reo lên: “Chúng ta đến nơi rồi. Mọi người có muốn xuống không?”. Một số người tỏ ra e dè muốn ngồi trên thuyền quan sát. Trong làn nước, có những hình bóng tối di chuyển chầm chậm. Một loạt bong bóng nước nổi lên và một chú cá mập voi lững lờ hiện ra…
Cuối cùng, thú tò mò tìm hiểu cá mập voi đã xóa đi cảm giác sợ đuối nước của chúng tôi. Được sự trợ giúp của các hướng dẫn viên, chúng tôi đã một lần được tiếp cận thật gần với loài động vật khổng lồ của đại dương và có những trải nghiệm đặc biệt hiếm hoi, khó quên trong đời. Đến lúc viết những dòng này, trong tôi vẫn còn cảm giác hồi hộp pha lẫn thích thú đó…