Gần 130 tác phẩm sáng tạo của sinh viên ngành thời trang, thiết kế và truyền thông chuyên nghiệp đã được trưng bày tại triển lãm cho thấy phương pháp giáo dục tại RMIT đã phát huy khả năng sáng tại không giới hạn của các bạn trẻ.
Một không gian học tập đa ngành
Hiếm có một buổi triển lãm tác phẩm của sinh viên nào có sức thu hút người xem mạnh mẽ như Transparent. Không gian rộng thoáng tại khu vực trưng bày triển lãm như trở nên nhỏ lại với sự hào hứng của đông đảo khách thưởng lãm. Triển lãm với chủ đề Transparent chuyển tải những câu chuyện và nội dung đầy cảm hứng đến cộng đồng. “Tại Transparent, người tham dự có thể hiểu hơn và nhìn thấy được khả năng, chuyên môn và kỹ năng của sinh viên các ngành Thời trang, Thiết kế và Truyền thông qua các tác phẩm trưng bày,” Giáo sư Rick Bennett – Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Việt Nam nói.
Sau buổi lễ trao giải các tác phẩm đặc sắc, khá nhiều người đang vây quanh tác phẩm “Anti-Tough Love” của nhóm bạn Trần Lê Phương Thảo, sinh viên ngành Truyền thông. Tác phẩm với nhiều hình ảnh trực quan sống động này đã khiến các bậc cha mẹ phải nhìn lại về cách dạy con nghiêm khắc của mình.
Bà Marimi, một phụ huynh có con học tại RMIT, nói rằng bà rất có ấn tượng với tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của sinh viên Phạm Hồng Nhật. Tác phẩm đối thoại với người xem thông qua bản chất của âm thanh tiếng ồn – đó là sự kết hợp của nhiều âm thanh khác nhau. Không chỉ riêng bà Marimi mà nhiều người khác cũng tỏ ra thích thú khi mỗi bước chân của mình trên nền thảm tạo ra những nốt nhạc trầm bổng đa dạng từ tác phẩm. Phạm Hồng Nhật cho biết: “Tham gia làm dự án cuối khóa là cách để sinh viên suy nghĩ nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn và sáng tạo nhiều hơn. Mình đã phải học rất nhiều kiến thức, kỹ năng ngoài ngành Thiết kế để có thể hoàn thành tác phẩm, đặc biệt là mình phải tự học thêm rất nhiều kiến thức về công nghệ thông tin vì tác phẩm của mình cũng như hầu hết các tác phẩm tại triển lãm đều được thể hiện trên các thiết bị thông minh như máy tính bảng và điện thoại thông minh”.
Phương pháp học mở lối tư duy
Trong thời đại mà thông tin có thể tìm kiếm một cách dễ dàng từ mạng internet thì phương pháp học mà sinh viên lựa chọn cùng sự hồ hởi muốn học của các em mới là yếu tố để các em thành công. Thời trang, thiết kế và truyền thông đều là những nghề hấp dẫn vì tính sáng tạo, năng động và cả những mức lương cao đáng mơ ước. Nhưng con đường đi đến thành công của nghề này không dễ dàng và yếu tố sáng tạo, đổi mới luôn đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, muốn phát triển nghề trong thời đại mới thì không thể thiếu sự đồng hành của công nghệ hiện đại. Ứng dụng augmented reality – AR tại triển lãm Transparent cho phép sinh viên chuyển hình ảnh của mô hình 3D vào điện thoại di động thông qua công nghệ tương tác thực tế, giúp việc thiết kế trở nên thú vị hơn. Về sau, khi ra trường, các em cũng có thể dùng công nghệ này cho công việc của mình một cách hiệu quả.
Có thể thấy, triển lãm Transparent nói riêng và Đại học RMIT nói chung là môi trường học tập, làm việc và cọ xát thực tế hiệu quả dành cho sinh viên Việt Nam. Chính cách đào tạo chuyên nghiệp, cùng những sân chơi sinh động do nhà trường tổ chức đã giúp các bạn trẻ khơi dậy nhiều ý tưởng, sức sáng tạo và niềm đam mê trong ngành học của mình.
- Thạch Lam