Thị trường chứng khoán những ngày trung tuần tháng 11 không có nhiều biến động. Thông tin có thể ảnh hưởng thực sự đến thị trường không nhiều, cả thông tin tích cực lẫn tiêu cực. Dù khối ngoại nhìn chung không còn giao dịch cầm chừng, độ chênh trong mua – bán không nhiều nữa mà chuyển hẳn sang bán ròng, thì điều này cũng chỉ làm các chỉ số giảm nhẹ chứ không khiến trạng thái của thị trường lệch hướng tiêu cực. Có chăng, động thái này của khối ngoại khiến cho nhiều nhà đầu tư trong nước thận trọng hơn trong giao dịch, hệ quả là thanh khoản dù có khá hơn những ngày đầu tháng 11 nhưng vẫn chưa cao.
“Điểm trừ” thanh khoản ở hiện tại, nếu cho rằng đó là điểm trừ, một phần cũng do quãng thời gian trước đó thanh khoản của thị trường là quá tốt. Thống kê cho thấy, tính riêng mười tháng đầu năm, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên đã vượt gần 30% so với năm ngoái. Điều đó đồng nghĩa với việc năm 2016 rất có thể là một năm thành công với thị trường chứng khoán nước ta, cả về điểm số lẫn thanh khoản. Để đạt được điều này, từ giờ đến cuối năm, VN-Index cần duy trì trên mốc 660 điểm. Yếu tố ROS (cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng Faros) sẽ là một ẩn số. Sự thăng hoa của một công ty cách nay vài ba tháng còn rất ít người biết nhưng hiện có giá trị vốn hóa chiếm khoảng 3,6% giá trị của VN-Index đã lôi kéo sự chú ý của giới phân tích, cả trong nước lẫn nước ngoài (vừa có một bài bình luận khá dài trên tờ Wall Street Journal). Ngày 29-11, ROS sẽ tiến hành đại hội cổ đông bất thường, dự kiến thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty và một số nội dung khác. Sau sự kiện này, có thể chúng ta sẽ có những đánh giá rõ hơn. Các chuyên gia nhận định, nếu ROS không có biến động bất thường, VN-Index có khả năng sẽ tăng điểm mạnh. Còn một cổ phiếu nữa có thể tác động không nhỏ đến chỉ số, đó là cổ phiếu của Sabeco (Tổng công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn), sẽ lên sàn trong tháng 12. Với mức vốn hóa thuộc hàng “top” của thị trường và được nhiều nhà đầu tư chờ đón, cổ phiếu này có thể sẽ giúp VN-Index có thêm sức bật.
Dĩ nhiên, những ảnh hưởng có thể có từ một vài cổ phiếu chỉ mang tính thời điểm. Để hướng đến bước tăng trưởng mang tính bền vững, thị trường chứng khoán phải dựa vào những biến chuyển tích cực của cả kinh tế, biểu hiện qua sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Thêm vào đó là tác động của chính sách và những giải pháp mang tính kỹ thuật nhằm nâng đỡ thị trường như đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán, cho ra đời sản phẩm chứng khoán phái sinh, nới room cho khối ngoại,…
Trở lại với hiện tại, động thái bán ròng của khối ngoại trong những ngày qua, với lực bán rải đều ở cả bluechip lẫn cổ phiếu đầu cơ, được lý giải bởi tác động từ bên ngoài, cụ thể là do sự tăng giá của đồng USD (chỉ số USD Index đang ở mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây). Dòng tiền ngoại, đặc biệt là từ các quỹ ETF, thường có phản ứng tương tự mỗi khi xảy ra vấn đề, nên điều này không còn gây ra quá nhiều xáo trộn cho tâm lý nhà đầu tư. Dù vậy, những tác động cộng hưởng từ việc tỷ giá USD/VND được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng nhẹ, rồi lãi suất đồng USD có thể được điều chỉnh tăng trong tháng 12 (khiến cho việc bán ròng của khối ngoại có thể kéo dài) cũng sẽ ảnh hưởng đến trạng thái mua bán của nhiều nhà đầu tư trong nước. Họ sẽ chọn cách cẩn trọng hơn, chờ xu hướng thật rõ ràng rồi mới mở rộng danh mục đầu tư của mình.
Ngọc Khang (DNSGCT)