Hơn hai mươi thành viên nhóm chạy bộ Hội những người thích chạy đường dài (Long Distance Runners – LDR) đã có một buổi chạy bộ cùng nhau quanh hồ Gươm vào sáng cuối tuần qua. Trong tiết thu mát mẻ, nhóm chạy có vẻ rất sung sức và những câu chuyện cuối buổi chạy cũng trở nên sôi nổi hơn.
Thú vị chạy nhóm buổi sáng
Nhóm chạy bộ LDR trên Facebook hiện có hơn 4.000 thành viên nhưng chỉ khoảng hơn 200 người thường xuyên gặp gỡ, giao lưu trực tiếp trong các buổi chạy ngoài trời. Vào những buổi sáng cuối tuần, những thành viên sống ở Hà Nội thường hẹn nhau cùng chạy quanh Công viên Thống Nhất, hồ Tây, hồ Gươm, Hàm Lợn,… Sáng nay, nhóm đã chinh phục nhiều vòng chạy quanh hồ Gươm với chu vi khoảng 1,7km. Các thành viên không xuất phát cùng một lúc mà hẹn gặp nhau trên đường chạy và điểm tập kết là tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm).
Sau mười vòng chạy, anh Phạm Thúc Trương Lương tuy chưa thấm mệt nhưng cũng dừng lại gặp gỡ các bạn trong nhóm. Anh là một trong số bảy vận động viên Việt Nam chinh phục thành công đường chạy địa hình 100km giải Vietnam Mountain Marathon tại Sa Pa vào tháng 9 vừa qua. Anh cho biết: “Tôi chạy bộ một mình hơn một năm rồi mới biết và tham gia nhóm chạy này. LDR là nhóm dành cho những người yêu thích bộ môn chạy bộ, đặc biệt là chạy đường dài. Đây là nơi các thành viên có thể tự do chia sẻ, trao đổi về các thông tin liên quan đến chạy bộ, tư vấn cũng như giúp đỡ nhau nâng cao thành tích và hoàn thiện về kỹ thuật chạy bộ. Cho dù chạy là môn thể thao cá nhân nhưng người tập luyện môn chạy bộ nên tham gia vào nhóm để có động lực duy trì niềm đam mê của mình”.
Quả thật, trong một buổi sáng sớm mát mẻ, cùng chạy bộ với những người cùng đam mê quả là thú vị. Đó là cảm giác khoan khoái khi hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn một cô gái đẹp trên phố trên đường chạy cũng làm cho chúng ta thấy hứng thú, yêu đời hơn. Đó là sự phấn khích khi “gật đầu”, đưa tay khích lệ bạn chạy lưng áo ướt đẫm mồ hôi vừa lướt qua. Cuối cùng, cả nhóm gặp nhau cười thật tươi với đủ câu chuyện về kỹ thuật, các cuộc thi chạy, chuyện ăn uống, chuyện trang phục… “Chúng ta tập thể thao không phải để chiến thắng người khác mà đơn giản là để học cách vươn lên, chiến thắng chính bản thân mình. Để khám phá giới hạn và mở khóa tiềm năng bên trong và để tiến bộ hơn mỗi ngày”, anh Vũ Hỷ, làm việc tại văn phòng đại diện của một doanh nghiệp Nga tại Hà Nội, chia sẻ.
Anh John Minh Nguyễn, doanh nhân làm việc trong ngành công nghệ viễn thông sáng nay chạy cùng vợ. Anh cho biết: “Tôi chạy trước một năm rồi mới rủ vợ cùng chạy. Đến giờ thì hai vợ chồng tôi cùng chạy buổi sáng và chinh phục các cuộc thi”. Anh cho biết thêm: “Giờ đây chạy bộ đã trở thành một thói quen, không chạy thấy… thiếu thiếu. Dù làm bất cứ công việc gì thì tôi cũng khuyên mọi người nên chạy bộ, đây là cách giải tỏa căng thẳng rất tốt”. “Mà nếu có stress, đau đầu thì chỉ cần xỏ giày chạy ù đi một lúc là lại quên sạch, khi trở về mặt lại tươi… hơn hớn”, bạn Nguyễn Hoàng Yến, một nữ nhân viên ngân hàng, bổ sung thêm.
Cách giải tỏa căng thẳng nhờ chạy bộ theo tác giả Murakami ghi lại trong cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ thì “chạy bộ để đạt được một sự rỗng không. Nhưng như bạn cũng đoán được, thảng hoặc một ý nghĩ sẽ lẻn vào cái rỗng không này. Tâm trí con người không thể hoàn toàn trống rỗng. Cảm xúc con người không đủ mạnh mẽ hay kiên định để duy trì một tình trạng chân không. Điều tôi muốn nói là, các kiểu tư tưởng và ý nghĩ xâm chiếm những cảm xúc của tôi trong lúc tôi chạy vẫn là thứ yếu so với cái rỗng không ấy. Không có nội dung, chúng chỉ là những ý nghĩ bất chợt tập hợp xung quanh cái rỗng không trung tâm đó”. Và chỉ cần có thêm vài người bạn nữa để lập thành một nhóm chạy nhỏ thì hiệu quả của chạy bộ sẽ tăng lên rất nhiều lần. Người chạy sẽ không chỉ cảm nhận niềm vui, có động lực để duy trì việc tập luyện mà bản thân việc chạy bộ theo nhóm còn tăng tinh thần đồng đội, sự đoàn kết khi vượt chướng ngại vật, đồng thời có sự chia sẻ gắn kết cao trong cộng đồng.
Con người có khả năng chạy dài bẩm sinh
Theo cuốn sách Born to run (2009) của tác giả Christopher McDougall, nhà báo và nhà nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) thì chúng ta là loài động vật chạy đường dài ưu việt và bẩm sinh. Cơ thể con người có nhiều đặc điểm để thích nghi với việc chạy dài. Chân chúng ta dài hơn so với thân giúp tiết kiệm năng lượng vì bước dài hơn. Vòm xương bàn chân giúp tạo lực đàn hồi khi chạy, giảm 17% nhu cầu trao đổi chất. Gân Achille dài giúp tận dụng 35% cơ năng tạo ra khi tiếp đất. Bề mặt khớp rộng giúp hấp thụ chấn động khi chạy tốt hơn. Các ngón chân to, ngắn giúp giữ thăng bằng tốt và tiết kiệm năng lượng hơn. Cơ mông to, khỏe giữ cho thân khỏi đổ chúi về phía trước khi chạy. Cơ lưng nở rộng nên giữ thân vững vàng. Hông hẹp, vai rộng và thấp giúp thân trên xoay trở độc lập với đầu và hông. Cơ thể ít lông và cơ chế tản nhiệt bằng tuyến mồ hôi ưu việt hơn nhiều so với cách tản nhiệt bằng đường thở của động vật. “Dễ hiểu thì chưa cần tập luyện, chúng ta đã được thừa hưởng hàng triệu năm tiến hóa để chạy rồi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là việc tạo cho mình động lực tinh thần để vượt qua những cự ly nhiều thử thách phía trước”, anh Trương Lương nói.
Ngay cả tác giả Murakami cũng cho rằng chạy bộ là công việc phù hợp với tạng chất của ông. Trước hết, đó là những “bộ môn” có tính cá nhân cao, đòi hỏi sức lao động bền bỉ và là một quá trình không ngừng hướng nội để đối diện, vượt qua giới hạn cũ. Thực tế, hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Và chạy bộ là môn thể thao giúp chúng ta làm được điều này. Vì sự nỗ lực tối đa để vượt qua giới hạn của bản thân, chinh phục thử thách chính là bản chất của chạy bộ”.
Và thật sự, chạy bộ là một môn thể thao có khả năng truyền cảm hứng rất tốt. Anh Đinh Huỳnh Linh, một thành viên kỳ cựu của nhóm chạy LDR cho rằng: “Trong quá trình gắn bó với chạy đường dài chúng tôi nhận ra rằng, chạy bộ, một hoạt động nguyên thủy, lại là thứ có thể truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Khả năng chịu đựng, thậm chí là chịu đau đớn, để kiên định theo đuổi một mục tiêu dù khiêm tốn, đã gắn kết cộng đồng chạy bộ. Bất kỳ người chạy bộ nào, dù chạy nhanh hay chậm, đều hiểu được sự cống hiến và dũng cảm cần có để có thể chạy hết khả năng của mình. Như ai đó từng nói “Khi chạy, bạn đã là người chạy bộ, không quan trọng bạn chạy nhanh hay chạy xa, mới tập chạy hay đã chạy 20 năm, không cần bằng cấp, chứng chỉ, thi tuyển, hay thẻ hội viên… Bạn chỉ cần chạy mà thôi!”…
- Thanh Bình