Nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy, các ông bố bà mẹ thường là “những thẩm phán tệ nhất” về con cái của họ. Có những lý do sâu xa cho những ngộ nhận “bền vững, không thay đổi” này của các bậc phụ huynh.
Bản năng làm cha mẹ khiến họ nhìn con cái theo cách của mình. Trong một số trường hợp, “đeo kính màu hồng” sẽ có lợi cho lòng tự trọng của cha mẹ và những đứa trẻ. Dù vậy, trong những trường hợp khác, điều này có thể dung dưỡng sự chối bỏ và không thể giúp ích điều gì cho cả cha mẹ lẫn con cái.
Ngộ nhận là một phần tự nhiên của chuyện làm cha mẹ. Cha mẹ nhìn thấy con mình giống như những gì mà họ muốn – thường là điều họ muốn từ khi chúng chào đời. Họ cũng khăng khăng “tưởng tượng” nên tương lai lâu dài của đứa trẻ.
Nếu mẹ hay cha của bạn từng cho rằng bạn sẽ theo nghề của họ, bạn sẽ hiểu được chuyện này. Hoặc cái nhãn “con bé bỏng của mẹ” vẫn bám dính theo dù cho bạn đã băng qua những nẻo đường của người lớn từ rất lâu. Và nếu chính bạn đang làm cha làm mẹ, rất có thể bạn cũng có những ngộ nhận tương tự – dù bạn không nhận ra.
Chúng ta nhìn thế giới qua nhãn quan mà mình biết rõ nhất, đó là chính mình. Chúng ta có nhiều thông tin về mình hơn về người khác, điều này ảnh hưởng đến những giả định và phán xét về người mà mình gần gũi mỗi ngày, bao gồm con cái.
- Xem thêm: Cũng là thành công…
Chúng ta cũng có những phán xét khá chủ quan về chính mình. Tận sâu thẳm, hầu hết chúng ta đều tin rằng mình đặc biệt và sở hữu những phẩm chất khiến chúng ta khác biệt với đám đông. Những ảo tưởng tâm lý này mang lại những lợi ích tâm lý có thật, khuyến khích sự lạc quan và cho ta cảm giác kiểm soát được tương lai của mình.
Dù tốt hay xấu, cha mẹ có thể mở rộng những ảo tưởng tích cực đến con cái, họ tin tưởng rằng con cái của họ sẽ sở hữu những phẩm chất đặc biệt. Sau đây là những ngộ nhận thường gặp nhất ở các bậc phụ huynh:
Con tôi thì giống tôi
Chuyện cha mẹ giả định rằng con cái sẽ tự nhiên tiếp bước họ là chuyện thường gặp. Nhưng các chuyên gia cho rằng việc mong đợi “con là một phần của cha mẹ” đến từ nhận thức sai về cách mà trẻ sẽ thực sự phát triển và mức độ kiểm soát có giới hạn của cha mẹ với quá trình phát triển này.
Thực tế, gia đình chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến con người mà đứa trẻ sẽ trở thành. Rất nhiều người nghĩ rằng con trẻ mang gien của họ và do họ nuôi dưỡng nên sẽ giống họ. Thực tế, các cuộc nghiên cứu về di truyền học hành vi cho thấy, tính trung bình, cá tính của con người phân nửa do di truyền quyết định, phân nửa là do môi trường. Phần thuộc về môi trường này không nhất thiết hoàn toàn thuộc về cha mẹ.
Vậy lý do vì sao cha mẹ cứ khăng khăng rằng con cái giống họ? Nhà tâm lý học Mark Leary thuộc Đại học Duke (Mỹ) lý giải rằng cha mẹ thường chỉ nhìn thấy điểm giống nhau hơn là những điểm không hợp nhau giữa họ và con cái. Thực tế, điểm khác biệt có lẽ trội hơn những điều tương đồng.
Cha mẹ có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của trẻ bằng cách chọn cho chúng những ngôi trường – nơi chúng sẽ phát triển và tạo nên một môi trường gia đình hỗ trợ sự sáng tạo. Nhưng nếu cha mẹ cố tạo khuôn mẫu cho hành vi của trẻ thì thường không hiệu quả.
Tuy nhiên, cha mẹ có thể tận dụng những ảnh hưởng của họ đối với con cái. Về mặt di truyền, cha mẹ truyền cho con cái những đặc tính thể chất và tâm lý; về mặt môi trường sống, cha mẹ có thể mang đến cho con các khóa huấn luyện, những quan hệ và cả sự nối bước về nghề nghiệp.
Con tôi có tài
Khắp nơi trên thế giới hiện nay, các gia đình đều có ít con hơn trước đây. Nhà tâm lý học tiến hóa Jennifer Hahn-Holbrook thuộc Đại học Chapman, California, Mỹ đồng ý với Mark Leary rằng ngày nay các phụ huynh đầu tư nhiều và xa hơn cho con cái. “Bạn có nhu cầu mạnh mẽ muốn con mình giỏi hơn bình thường bởi vì chúng ta có ít con hơn”.
Theo một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Nhật Bản tiến hành vào năm 2012, 95% gia đình ở TP. Hồ Chí Minh cho con mình tham gia các chương trình ngoại khóa, con số này ở Jakarta (Indonesia) là 93%.
- Xem thêm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Những thay đổi xã hội cũng có nhiều tác động. Cha mẹ ngày nay có thể vận hành gia đình hạt nhân mà không có sự chỉ dẫn và kinh nghiệm mà họ từng nhận được từ người lớn tuổi và họ cũng ít có cơ hội đời thường để quan sát những đứa trẻ hay các phụ huynh khác.
Hệ quả là họ có thể rút ra những kết luận về con của mình dựa trên nền tảng hình mẫu rất có giới hạn, thường là những gì xảy ra trong ngôi nhà của họ. Điều này cùng với ước muốn đưa con cái tiến nhanh trong một nền kinh tế cạnh tranh có thể góp phần dẫn đến nhận thức mang tính phản xạ và thường gặp rằng “Con tôi thì tài năng”.
“Nếu bạn cố phán quyết xem con mình giỏi hay tệ hơn những đứa trẻ của ai đó, bạn thật sự có rất ít thông tin để làm điều này”, Mark Leary nói, “Và tôi cho rằng trong không gian xã hội hiện nay, bạn càng dễ có những phán xét sai lầm”.
Con vẫn còn là đứa trẻ
Sự quyến luyến lý giải vì sao cha mẹ mãi xem đứa con nhỏ nhất (hay con một) là đứa trẻ của gia đình, thậm chí sau khi cô hay cậu bé này đã trưởng thành. Theo một cuộc nghiên cứu do nhà tâm lý học phát triển Jordy Kaufman thuộc Đại học Swinburne (Úc) thực hiện, 70% các bà mẹ tham gia cuộc nghiên cứu (được tiến hành với 747 bà mẹ có con trong độ tuổi từ 2-6) cho biết con đầu lòng hoặc con nhỏ nhất của họ có vẻ lớn hẳn một cách bất ngờ khi đứa con khác ra đời.
Kaufman lý giải sự chuyển đổi nhận thức này là do người mẹ luôn xem đứa con nhỏ nhất (hoặc duy nhất) là nhỏ bé hơn so với thực tế. Ý niệm này sẽ không thay đổi cho đến khi họ sinh đứa bé khác.
Con tôi không thể là kẻ bắt nạt
Các cuộc nghiên cứu cho thấy cha mẹ không thể nhận ra rằng con họ bị bắt nạt hay đang bắt nạt trẻ khác. Nhà tâm lý xã hội Debra Pepler, York University, Toronto (Canada) cho biết: “Trẻ hiếm khi kể với cha mẹ khi chúng bắt nạt trẻ khác hoặc là nạn nhân bị bắt nạt”. Chuyện này là rất xấu hổ với trẻ và có nhiều lý do để trẻ không kể với thầy cô hay cha mẹ. Một phần là do trẻ nghĩ rằng cha mẹ và thầy cô sẽ làm mọi thứ tệ hại hơn.
Bắt nạt là một hành vi phức tạp và việc học cách nhận biết một đứa trẻ có là trẻ hung hăng hay là một nạn nhân là việc không dễ dàng; một số trẻ có thể là cả hai – người gây hấn và nạn nhân. Debra Pepler cho rằng những đứa trẻ của xã hội hôm nay rất thiếu gắn kết và phụ huynh có thể nhìn con trẻ qua “ánh sáng tích cực” một cách vô lý.
Còn nhiều ngộ nhận nữa và tất cả những gì chúng ta có thể làm là nhận ra và vượt qua. Tận trong sâu thẳm, việc nhận ra rằng con trẻ thật sự khác biệt với bạn có lẽ là món quà tuyệt nhất mà bạn có thể dành tặng cho con.