Gần 80 quốc gia và khu vực đã gửi lựa chọn phim đại diện chính thức đến dự vòng sơ tuyển hạng mục giải thưởng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar 2017. Đại diện cho Việt Nam là bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Yellow Flowers on the Green Grass) của đạo diễn Victor Vũ.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do đạo diễn Victor Vũ chuyển thể tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt vào tháng 10-2015. Phim trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt Nam khi thu hơn 80 tỉ đồng và được giới chuyên môn đánh giá tích cực. Tháng 4-2016, phim đoạt giải Phim truyện hay nhất của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Thiếu nhi thuộc Liên hoan phim quốc tế Toronto. Đây là tác phẩm đánh dấu sự thành công của các phim hợp tác giữa Cục điện ảnh và hãng phim tư nhân.
Viện Hàn lâm Mỹ dự kiến tổ chức buổi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 vào ngày 26-2-2017. Sau thời hạn quy định gửi phim tham dự vòng sơ tuyển cho Oscar “Phim nói tiếng nước ngoài” (hết vào ngày 1-10-2016), Viện Hàn lâm Mỹ cũng đã công bố tên của 78 phim ứng cử và báo Indie Wire đã chọn ra bảy phim mà theo biên tập Anne Thompson cho rằng xứng đáng có mặt trong danh sách đề cử. Đó là Elle (France), From Afar (Venezuela), Chevalier (Hy Lạp), Julieta (Tây Ban Nha), Neruda (Chile), The Salesman (Iran) và Toni Erdmann (Đức).
Elle đã vượt qua Frantz, The Innocents và Cezanne and I để giành tấm vé đại diện cho Pháp dự Oscar năm nay.Elle lần đầu ra mắt khán giả tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng Năm, giành được vô số lời khen ngợi từ báo chí quốc tế, nhưng không giành được giải thưởng nào.Nhiều nhà phê bình dự đoán, rất có thể nữ diễn viên kỳ cựu Isabelle Huppert sẽ có một đề cử diễn xuất cho màn thể hiện xuất sắc của bà trong Elle. Nhờ chiến thắng tại hạng mục Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes 2016, bộ phim của “bad-boy”Xavier Dolan – It’s Only the End of the World – đã đại diện Canada tranh giải Oscar. Nhưng không phải cứ đoạt giải tại Cannes thì có cơ hội đến với Oscar.Dù đoạt Cành Cọ Vàng nhưng I, Daniel Blake của đạo diễn Ken Loach đã không được chọn.Thay vào đó, nước Anh lại lựa chọn Under the Shadow. Cũng “đến từ Cannes” là The Salesman của Iran (Nam diễn viên chính xuất sắc cho Shahab Hosseini và Kịch bản xuất sắc nhất); Ma’ Rosa của Philippines (Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Jaclyn Jose); đạo diễn tài danh Pedro Almodóvar với phim Julieta đại diện điện ảnh Tây Ban Nha và phim Neruda của đạo diễn Chile Pablo Larrain (được đề cử Cành Cọ Vàng)… Toni Erdmann của nữ đạo diễn người Đức Maren Ade cũng là phim dự tranh Cành Cọ Vàng năm nay, được giới phê bình đánh giá tích cực. Các tờ Screen Daily, The New York Times, The Telegraph, Los Angeles Times, Sight and Sound, Times đều chấm phim 4 sao (trên 5 sao).
Thay vì lựa chọn Cô hầu gái của Park Chan Wook – một phim tạo được tiếng vang tại Cannes 2016, Hàn Quốc đã chọn The Age of Shadows của đạo diễn Kim Ji Woon vừa ra mắt tại Liên hoan phim Venice. Từng tạo dấu ấn tại các liên hoan phim danh giá tại châu Âu, nhưng điện ảnh Hàn Quốc chưa một lần có phim được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar. Chính vì thế mà người Hàn quyết định chọn phim có “khẩu vị” hợp với người Mỹ.The Age of Shadows mang yếu tố lịch sử khi xoay quanh cuộc chiến giành độc lập của những người yêu nước dưới ách đô hộ Nhật Bản những năm 1920. Phim đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé tại Hàn Quốc suốt hai tuần lễ và thu về tới 44,6 triệu đôla Mỹ. Hơn nữa, Kim Ji Woon không xa lạ với các thành viên Viện Hàn lâm Mỹ, phim hành động The Last Stand của ông đã tạo ấn tượng tốt tại Bắc Mỹ. Một số phim châu Á khác trong danh sách sơ tuyển là: The Black Hen (Nepal), Haha to Kuraseba (Nhật Bản), Hang in There, Kids! (Đài Loan), The Idol (Palestine), Letters from Prague (Indonesia), Port of Call (Hongkong), Karma (Thái Lan), Apprentice (Singapore)…
Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng Viện Hàn lâm Mỹ chưa có quyết định công bình với các phim nói tiếng nước ngoài tại các hạng mục giải thưởng khác của Oscar, các đề cử hầu như chỉ dành cho các bộ phim nói tiếng Anh, trừ đề cử cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Cho đến năm 2013, mới chỉ có chín bộ phim nói tiếng nước ngoài được đề cử cho hạng mục Phim hay nhất, đó là các phim Grand Illusion (tiếng Pháp, 1938), Z (tiếng Pháp, 1969), The Emigrants (tiếng Thụy Điển, 1972), Cries and Whispers (tiếng Thụy Điển, 1973), Il Postino (tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, 1995), Cuộc sống tươi đẹp (tiếng Ý, 1998), Ngọa hổ tàng long (tiếng Quan thoại, 2000), Letters from Iwo Jima (tiếng Nhật Bản, 2006) và Amour (tiếng Pháp, 2012). Không phim nào trong số này giành giải Phim hay nhất, chỉ có Z, Cuộc sống tươi đẹp, Ngọa hổ tàng long và Amour được trao giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Đồng thời cũng rất ít các phim sản xuất ở nước ngoài giành giải Phim hay nhất. Gần đây nhất có Slumdog Millionaire (Anh và Ấn Độ, 2008), TheKing’s Speech (Anh, 2010) và The Artist (Pháp, 2011).
- Mai Khôi