Mười năm qua, tỷ lệ sinh viên và thời gian học có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Trong báo cáo “Tầm nhìn giáo dục 2016”, OCDE (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế châu Âu) đặc biệt lưu ý hiện tượng này dưới góc độ tài chính. Hằng năm OCDE xem xét 30 chỉ số – thời gian học, lương giáo sư, quy mô lớp học, ngân sách giáo dục… ở 35 nước thành viên. Trong 10 năm (2005-2014), thời gian đại học ngày một kéo dài, tỷ lệ sinh viên 20-24 tuổi tăng từ 29 lên 33%. Ngoạn mục nhất là Bồ Đào Nha, năm 2005 chỉ 9% thanh niên tốt nghiệp đại học, năm 2010 là 33%, bốn năm sau là 35%. Đó là động lực phát triển kinh tế rõ nhất.
Lấy được bằng đại học là có điều kiện tốt nhất để hội nhập thị trường lao động và lương bổng. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người chỉ có trình độ trung học là 12,4%, có bằng đại học chỉ là 4,9%. Tỷ lệ người được đào tạo ngắn ngày kiếm được việc làm 80%, tốt nghiệp đại học – 82%, thạc sĩ – 87%, tiến sĩ – 91%. Tiền lương cũng theo bằng cấp, lương của thạc sĩ, tiến sĩ gấp đôi lương cử nhân. So với lao động phổ thông, lương người được đào tạo nghề cao hơn 20%, tốt nghiệp đại học cao hơn 48%.
Hiện nay, công quỹ vẫn là nguồn chính trong đầu tư giáo dục. Các quỹ tư nhân cao nhất cũng chỉ đảm đương 30% giáo dục đại học, cao học. OCDE đặc biệt chống lại mọi nguy cơ cắt giảm ngân sách giáo dục, vì sợ ảnh hưởng xấu đến chất lượng. Ngân sách cho giáo dục từ tiểu học đến đại học hiện nay ở các nước thành viên OCDE trung bình là 5,2% GDP.
Lê Lành theo Obs (DNSGCT)