Khi bắt đầu du học, rất nhiều sinh viên thường rơi vào tình trạng bỡ ngỡ khi phải tập làm quen với một môi trường học hoàn toàn xa lạ. Điều này làm nhiều sinh viên bị mất đà và gặp nhiều khó khăn trong cả quá trình học về sau nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. Giai đoạn khó khăn này thường đi kèm với giai đoạn “sốc văn hóa” nên hậu quả đi kèm càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các khó khăn đó hoàn toàn có thể được giải quyết trong vòng một học kỳ với việc áp dụng các lời khuyên sau đây.
Ngôn ngữ là việc quan trọng hàng đầu
Khi du học, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là ngôn ngữ. Ngôn ngữ được xem là chìa khóa giúp sinh viên sinh hoạt và học tập. Nhiều bạn trẻ khá chủ quan vì nghĩ mình có điểm thi ngoại ngữ đạt chuẩn thì không cần phải lo lắng về vấn đề này nữa khi du học. Trên thực tế, yêu cầu về điểm số cho việc nhập học thường chỉ có thể bảo đảm cho khả năng học tập và giao tiếp một cách cơ bản nhất. Khi thật sự sống ở môi trường bản xứ, nhiều sinh viên dù đủ điểm vẫn không tránh khỏi việc “bị sốc” vì không thể hiểu được nội dung giảng dạy trên giảng đường. Những người bản xứ thường nói chuyện khá nhanh với các nội dung chuyên ngành lần đầu tiên sinh viên được tiếp xúc. Đặc biệt trong những lớp học có sĩ số đông đến hàng trăm sinh viên, giảng viên cứ giảng, sinh viên cứ nghe. Không ít bạn không bắt kịp được nội dung trên lớp nên sức học ngày càng sa sút, hoặc nếu không thì cũng đạt kết quả không tốt, ít nhất là trong học kỳ đầu. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể được chuẩn bị và khắc phục trong một thời gian ngắn.
Trước khi du học, điều sinh viên có thể chuẩn bị là nghe càng nhiều các bài thuyết trình, các chương trình truyền hình càng tốt. Có thể tham khảo các chương trình của Ted vì chương trình này quy tụ rất nhiều diễn giả từ khắp nơi trên thế giới. Hãy chọn các bài thuyết trình của các diễn giả đến từ quốc gia mà mình sắp du học để nắm được giọng nói, tốc độ nói của những người đến từ quốc gia đó. Trong quá trình đầu du học, hãy luôn thủ sẵn một chiếc máy ghi âm khi vào lớp để thu lại các nội dung mà giảng viên nói. Khi về nhà, hãy dành thời gian nghe lại phần ghi âm này để nắm bài giảng hơn. Không những thế, phần ghi âm này sẽ rất hữu dụng vào thời gian ôn tập cuối kỳ, khi đó nhiều bạn đã có một thời gian thích nghi nhất định, nhờ vậy có thể nắm bắt rất nhanh đoạn ghi âm mà trước đó mình không thể nghe – hiểu.
Tiếp thu kiến thức một cách thông minh
Trước những nội dung học thuật phức tạp trong chương trình học, đừng vội hoảng hốt mà nên học cách làm quen từ từ. Vấn đề càng phức tạp, nhiều bạn lại càng cố gắng học thuộc vì sợ mình không thể nắm bắt được. Tuy nhiên, bí quyết là hãy luôn mang theo một quyển sổ và đừng ngại tóm tắt lại lý thuyết theo cách mà mình có thể dễ hiểu và dễ nhớ nhất. Dần dần, khả năng nắm bắt các khái niệm học thuật sẽ được cải thiện và bạn sẽ không còn gặp phải vấn đề trong việc nắm bắt và ghi nhớ các khái niệm phức tạp này nữa. Tuy nhiên, đừng bỏ thói quen viết ra và tổng hợp lại nội dung học để biến kiến thức thành của mình. Khoa học đã chứng minh khi bạn viết một vấn đề gì đó ra, nó sẽ in sâu trong não của bạn hơn là khi bạn chỉ đọc.
Tìm những người bạn cùng tiến
Hãy nhớ, bạn sẽ không phải là tân sinh viên bỡ ngỡ duy nhất của lớp học. Ngay cả những sinh viên bản xứ cũng gặp phải các khó khăn trong thời gian đầu đại học. Hãy mạnh dạn làm quen với những người bạn xung quanh và lập nên những nhóm bạn giúp nhau trong việc học. Hãy ngồi xem lại kiến thức bài giảng cùng với nhóm bạn và làm việc nhóm để tiết kiệm thời gian. Chia ra mỗi người nghiên cứu một chủ đề, sau đó tóm tắt lại kiến thức cho cả nhóm là một cách học thông minh và hiệu quả. Chưa kể, ngoài những hiệu quả về mặt học tập, làm việc nhóm cũng giúp bạn thư giãn hơn, giảm các áp lực học tập hơn.
Biết phân chia thời gian hợp lý
Khi đi du học, nhiều bạn cũng bắt đầu phải học cách tổ chức cuộc sống của mình. Thật vậy, khi không còn bố mẹở bên, ngoài việc học sinh viên còn phải tự sắp xếp cuộc sống với nhiều việc khác nhau như dọn dẹp, đi chợ nấu ăn, đi lại, học tập, làm thêm, giải trí… Nếu bạn là người quên trước quên sau hay chưa được tự giác, hãy cố gắng dành thời gian lên lịch những việc quan trọng cần làm trong ngày, trong tuần và cố gắng thực hiện nghiêm túc nhất có thể. Việc thực hiện thời gian biểu này cũng giúp bạn bảo đảm phân chia hợp lý giữa học – chơi – nghỉ ngơi. Những trường hợp ôn thi “nước đến chân mới nhảy” thường rất căng thẳng, nhiều bạn còn bỏ cả ăn, ngủ. Đây là điều hoàn toàn không nên vì não bộ cũng cần phải thư giãn thì mới hoạt động tốt được.
Và dù bận rộn đến mấy, cũng đừng bỏ qua giờ lên lớp. Nhiều sinh viên cảm thấy giờ lên lớp không mấy ích lợi vì hoàn toàn có thể tự xem tài liệu, nhất là ở những lớp có sĩ số đông. Tuy nhiên, thời gian lên lớp chính là lúc để các giảng viên giải thích các nội dung trong sách và giải đáp các câu hỏi của sinh viên. Bỏ giờ lên lớp cũng chính là bỏ mất cơ hội tương tác với giảng viên. Điều này càng nguy hiểm khi nhiều bạn chọn cách đến ngày thi mới lấy tài liệu ra xem. Lúc này, sẽ không có thầy cô nào ở bên để trả lời cho các thắc mắc mà nội dung của sách vẫn chưa thể giải đáp được hết. Đây cũng chính là lý do mà nhiều sinh viên chỉ có thể đạt được kết quả trung bình khi kiến thức nắm bắt được không sâu và không đầy đủ.
Nhật Hà (DNSGCT)