Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, những người dậy sớm vào buổi sáng thường cảm thấy hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, làm việc hiệu quả hơn và thậm chí là thành công hơn so với những người thức khuya để làm việc rồi sau đó dậy vào buổi trưa của ngày hôm sau.
Ngoài ra, thức khuya rất có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến hệ thần kinh như cảm thấy mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng… Và đặc biệt là các bạn gái, thức khuya ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhan sắc như lão hóa nhanh, béo phì, rối loạn nội tiết…
Thức dậy sớm, bạn sẽ…
1. Có thời gian để tập thể dục
Nhiều người vội vã trong suốt cả ngày sau khi thức dậy muộn, họ thường phàn nàn rằng không có thời gian để tập thể dục; lâu ngày khiến họ lười vận động, bị béo phì, sức khỏe kém. Thức dậy sớm vào buổi sáng và tập thể dục hoặc tập yoga là cách tốt nhất để khởi đầu một ngày mới và làm mới bản thân, còn có thể cải thiện sức khỏe, giữ cho cơ thể cân đối.
2. Cảm thấy vui vẻ hơn
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Emotion đã lưu ý rằng những người thức dậy sớm thường cảm thấy tích cực, tự tin và vui vẻ hơn tại nơi làm việc. Ngoài ra, khi ngủ đủ giấc, làn da sẽ tươi sáng và trẻ trung hơn bởi trong giấc ngủ, bạn không bị căng thẳng, không bị stress nên làn da có thể tự tái tạo.
- Xem thêm: Da sáng, dáng đẹp nhờ rau củ
3. Làm việc hiệu quả hơn
Buổi sáng được cho là thời gian làm việc hiệu quả nhất trong ngày. Bộ não của bạn đã được nghỉ ngơi, các liên kết thần kinh đã được “sạc năng lượng” trong đêm. Bạn thường suy nghĩ nhanh hơn và tập trung nhiều hơn vào buổi sáng, những công việc quan trọng sẽ được giải quyết nhanh chóng.
4. Ngủ ngon hơn
Nếu bạn thức dậy sớm vào buổi sáng và bắt đầu các hoạt động hằng ngày, bạn sẽ đi ngủ sớm hơn. Vì bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy cạn kiệt sức lực vào cuối ngày, sẽ cảm thấy buồn ngủ nhanh hơn. Điều này có nghĩa là bạn đã vô tình thiết lập một thời gian biểu cho giấc ngủ của bản thân, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
5. Hạ thấp được nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychiatry and Clinical Neurosciences đã chỉ ra rằng những “cú đêm” thường có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 3 lần so với những người dậy sớm vào buổi sáng. Theo các nhà nghiên cứu, những người thức khuya thường xuyên thường hướng đến những suy nghĩ tiêu cực và lo lắng có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
Một khi đã thức dậy muộn, bạn sẽ không bao giờ bắt kịp được với khoảng thời gian đã mất. Điều này khiến bạn cảm thấy cuộc sống đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát, luôn thiếu tự tin vì không có thời gian để lên kế hoạch mọi thứ tốt hơn. Cuối cùng, bạn sẽ đi ngủ với cảm giác không hài lòng. Điều này cũng có thể gây ra bệnh trầm cảm.