Đeo kính kết nối mạng, ngắm nghía cây trồng…, thoáng chốc biết ngay cây có bị sâu bệnh hay không, nếu bị thì chăm sóc, chữa trị ra sao, thế nào… Đó là điều mai kia nông nghiệp hoàn toàn trông cậy ở mạng thông tin toàn cầu internet.
Pascalin Pierson, điều hành trang trại số hóa do Viện cây trồng Arvalis xây dựng ở Saint-Hilairre-en Woevre (Pháp) khẳng định: “Ngày mai thì chưa đâu, nhưng dứt khoát ngày kia đúng là như thế”.
Ở trang trại thực nghiệm này, các kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật thử nghiệm nông nghiệp mai kia ra sao, như thế nào – siêu kết nối, bớt hẳn nặng nhọc… và môi trường vô cùng trong sạch.
Bà Pierson giải thích thêm: “Ở đây thử nghiệm ba cấp độ – thử nghiệm thực tại, thử nghiệm thực tế mai kia, tiến hành các nghiên cứu, phát triển. Tất cả đều qua trục kính đeo mắt kết nối mạng cho phép đọc các dữ liệu bằng âm thanh”. Bà Pierson nói: “Hiện nay, người ta đo độ cao của cỏ bằng tay. Tham vọng của chúng tôi là đo bằng laser, tia hồng ngoại. Người nông dân gắn thiết bị vào ủng rồi đi ngang đồng cỏ, sẽ biết phải chăn thả bò sữa bao lâu nữa và ở chỗ nào”.
Giờ chưa có thiết bị công nghệ cao móc vào ủng, nhưng trong túi người nông dân đã thường xuyên có ổ dữ liệu USB. Nông dân Denis Franck ở Vernéville cho biết: “Cứ cắm cái USB vào bình phun, máy kéo là chúng sẽ hoạt động đúng lúc, đúng chỗ, đúng mức…”.
Năm nay, Denis Franck thuê máy bay không người lái với giá 11 euro thám sát 1 hécta để có trong hộp thư điện tử bản đồ cho thấy ô đỏ cần bón 32 đơn vị đạm, ô xanh – 58 đơn vị. Rồi bình phun qua USB bón đúng liều lượng… không cần động tay động chân gì. Ai bảo làm nghề nông là khổ!
Lê Lành theo Le Parisien (DNSGCT)