Vụ ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra tại bốn tỉnh miền Trung bốn tháng nay vẫn còn là đề tài nóng bỏng được dư luận cả nước quan tâm, cũng là dòng thời sự chủ lưu được báo chí liên tục cập nhật. Mới nhất, sự kiện Formosa đã vào đến Quốc hội.
Tiếp xúc với báo chí nhân phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “Quốc hội vẫn đang giám sát không chỉ với Formosa mà giám sát hẳn việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế”.
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đề nghị Quốc hội nên có Ủy ban lâm thời để xem xét các vấn đề về môi trường, trước mắt tập trung vào Formosa và một số dự án nổi cộm. Theo ông, trường hợp của Formosa vô cùng nghiêm trọng. Một dự án 70 năm nhưng ngay trong giai đoạn đầu đã thấy xuất hiện nhiều vi phạm, gây thiệt hại nặng nề cho người dân và đất nước Việt Nam, những thiệt hại mà sẽ phải mất đến vài chục năm cũng không khắc phục nổi.
Ông cho rằng, qua nhiều vụ việc lùm xùm thời gian gần đây đã lộ ra nhiều vấn đề của chính quyền liên quan đến quy trình xét duyệt dự án, kể cả đối với các dự án đầu tư nước ngoài. Đã đến lúc tất cả các quy trình cần phải được mổ xẻ lại xem có đủ sức gạn lọc và ngăn cản được tiêu cực hay chưa. Việc giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp cũng cần sâu sát, kiên quyết hơn và tránh tình trạng nể nang.
Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, việc hành pháp trong quá trình giải quyết sự cố Formosa đã thể hiện sơ hở, thậm chí chính quyền các cấp dường như đã bất lực trước các sai phạm của doanh nghiệp này. Do đó, việc giám sát của Quốc hội giờ đây là cần đề ra một cách mạnh mẽ và nghiêm túc hơn.
Chia sẻ đề xuất này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và nhi đồng cho rằng “Quốc hội thậm chí cần thành lập hẳn một Ủy ban đặc biệt để giám sát Formosa. Không phải thành lập ra là để đấy mà Quốc hội phải phát huy tốt nhất quyền lực của mình để giám sát tới nơi tới chốn hoạt động của Formosa cũng như những dự án có vấn đề sau này”.
Cũng tại kỳ họp, ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày nhiều ý kiến của cử tri về vụ việc của Formosa. Cử tri đề nghị chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương.
Trong khi đó, trả lời báo chí về đề xuất của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự tán đồng: “Tôi cho rằng Chính phủ sẽ rất hoan nghênh nếu có sự tham gia này. Vì sự giám sát Quốc hội là giám sát trực tiếp”.
Theo ông, Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao, đưa ra quyết sách pháp luật những chủ trương lớn. Do đó, sự tham gia của Quốc hội vào việc giám sát, xử lý vấn đề liên quan đến Formosa là hoàn toàn rất phù hợp.
Ông Trần Hồng Hà cũng nói thêm: “Cần phải xem xét việc này thật sự cần thiết hay không. Hoặc là các ủy ban của Quốc hội hiện nay đủ khả năng để thực hiện hay không. Và nếu Quốc hội thấy cần thiết thì nên thành lập”.
Về việc thành lập Ủy ban lâm thời điều tra Formosa, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – cho biết ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chỉ mới trao đổi với báo chí chứ chưa có đề nghị trực tiếp và khẳng định: “Việc thành lập ủy ban lâm thời luật đã cho phép. Tuy nhiên phải làm theo trình tự pháp luật và phải có đề xuất”.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên các đại biểu đề xuất Quốc hội thành lập một ủy ban lâm thời giám sát vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Hồi năm 2010, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn hồi ấy là ông Nguyễn Minh Thuyết đã từng đề nghị Quốc hội thành lập ủy ban điều tra vụ Vinashin và trách nhiệm của các thành viên chính phủ trong vụ tiêu cực này. Tuy nhiên đề xuất đó không được thực hiện.
Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện sáu tháng cuối năm 2016 gửi tới Quốc hội, Chính phủ nhận định rằng sự cố môi trường biển miền Trung đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với sản xuất và đời sống của người dân trong vùng, mà còn hủy hoại môi trường sinh thái biển, phải mất thời gian dài mới tái tạo lại được.
Báo cáo khẳng định, sự cố ô nhiễm môi trường biển đã làm cá chết tại bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại môi trường biển, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, đến xuất khẩu, du lịch.
Tính toán sơ bộ cho thấy sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc.
Việc tiêu thụ hải sản trên thị trường của bốn tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng (sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý: giá bán giảm 30 – 50%; sản phẩm khai thác trong 20 hải lý: không tiêu thụ được; hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh).
Thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng. Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 hécta, tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Trên 3.000 hécta nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 hécta nuôi tôm bị chết rải rác. Có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000m³), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 hécta diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 hécta nuôi cua bị chết do sự cố môi trường. Giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 – 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng đối với vụ cá chết hàng loạt ở vùng biển Bắc Trung bộ. Hải sản khai thác khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác ở các tỉnh trên giảm mạnh, dẫn đến sản lượng khai thác chỉ tăng 3,2% (cùng kỳ tăng 4,4%); riêng sản lượng khai thác biển ước chỉ tăng 3,4%, thấp hơn 1,2% so với tốc độ tăng cùng kỳ.
Báo cáo cho biết: “Đây là vấn đề nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường khi cấp phép đầu tư và tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở có nhiều khả năng ô nhiễm”.
Gia Minh (DNSGCT)