Hội nghị giảng dạy tiếng Anh thường niên VUS TESOL lần thứ 11 đã diễn ra thành công với chủ đề “Tính chọn lọc trong giảng dạy tiếng Anh thời kỳ hậu phương pháp”. Sự hiện diện của 15 diễn giả hàng đầu cùng 14 bài tham luận cập nhật xu hướng giảng dạy Anh ngữ mới nhất đã thu hút hơn 2.000 giáo viên tiếng Anh trong nước và từ các nước trong khu vực.
Thành công nhờ nội dung độc đáo
Là sự kiện giáo dục được Hệ thống Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS) tổ chức định kỳ hằng năm nhằm mang đến cho các giáo viên Anh ngữ cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, VUS TESOL luôn giữ được tính độc đáo và hấp dẫn bởi những chủ đề đổi mới theo từng năm. Tại hội nghị năm nay, các diễn giả đã có những chia sẻ chuyên sâu và hữu ích xoay quanh sự chọn lọc và phối hợp các phương pháp giảng dạy tiếng Anh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Stephen Thomas – Cố vấn học vụ Anh Văn Hội Việt Mỹ – chia sẻ mục đích của lần tổ chức này: “VUS TESOL lần thứ 11 sẽ tạo điều kiện cho các giáo viên Anh ngữ tìm hiểu và trao đổi ý kiến làm thế nào để phối hợp một cách khôn ngoan những xu thế giảng dạy tiếng Anh khác nhau cho phù hợp với những ngữ cảnh cụ thể và phục vụ nhu cầu của người học hiệu quả nhất”.
Mở đầu phần tham luận, ông Edmund Dudley – chuyên gia đào tạo giáo viên, tác giả giáo trình tiếng Anh với hơn 20 năm kinh nghiệm – chia sẻ nội dung “Xúp hay salad? Lựa chọn và phối hợp các phương pháp trong lớp học trình độ không đồng đều”. Sau đó là phần trình bày của các diễn giả khác trong từng nhóm với những đề tài như vận dụng đa phương pháp trong giảng dạy từ vựng, thực hành chọn lọc các phương pháp một cách có nguyên tắc để giảng dạy hiệu quả, lôi cuốn học viên với những hoạt động tương tác độc đáo,…
Hội nghị mang đến thông điệp về sự tinh tế và linh động trong việc phối hợp các phương pháp giảng dạy Anh ngữ nhằm tạo cho lớp học một không khí học tập sinh động và hấp dẫn trong từng điều kiện cụ thể. Điều này đòi hỏi người đứng lớp không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn phải khéo léo vận dụng sự sáng tạo của mình áp dụng cho từng lớp học và từng đối tượng đặc thù.
Hiệu quả thiết thực, gần gũi thực tế
Cô Nguyễn Hàng Phương Dung, giảng viên khoa Anh Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết: “Tôi đã tham dự hội nghị VUS TESOL trong nhiều năm và cứ mỗi lần tham dự là tôi được tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia và tiếp cận nhiều góc nhìn mới về công tác giảng dạy tiếng Anh. Tôi tin rằng việc áp dụng những điều này vào lớp sẽ giúp ích được nhiều cho học viên của mình”.
Sau bốn năm tham gia diễn thuyết tại hội nghị VUS TESOL, bà Đào Nguyễn Anh Đức – Phó khoa Ngoại ngữ, Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ cảm nhận của mình: “Tôi cảm thấy vinh dự khi được tham gia hội thảo chuyên môn với quy mô lớn và quy tụ nhiều chuyên gia như VUS TESOL. Chủ đề năm nay rất thú vị vì chú trọng vào những điều thực tế đang diễn ra trong lớp học tiếng Anh. Tôi cho rằng không có phương pháp đơn lẻ nào đúng hay sai, hiện đại hoặc lỗi thời mà quan trọng nhất là người dạy biết vận dụng và phối hợp các phương pháp một cách hợp lý và hiệu quả cho từng đối tượng người học khác nhau trong từng hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau”.
Hội nghị VUS TESOL lần thứ 11 khép lại một cách thành công và mang đến nhiều lợi ích chuyên môn cho đội ngũ giáo viên Anh ngữ trong nước và từ các nước trong khu vực. Với những bài tham luận chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, hy vọng rằng những giáo viên tham dự đã tiếp thu những kiến thức cập nhật và những góc nhìn rộng mở, đa chiều hơn về xu hướng giảng dạy trên thế giới. Từ đó, giúp họ áp dụng hiệu quả vào thực tế công việc và lớp học của mình.
Hội nghị giảng dạy tiếng Anh VUS TESOL là sự kiện giáo dục được Hệ thống Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS) tổ chức định kỳ hằng năm, mang ý nghĩa quan trọng với giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Được tổ chức từ năm 2006 và trải qua 11 kỳ thành công, hội nghị chào đón tất cả những ai đang hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh nhằm giúp họ cập nhật xu thế, hoàn thiện trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo Anh ngữ cho xã hội.
– M.L