Huế bây chừ sắp bắt đầu mùa mưa bão. Lạ lùng quá, cái xứ sở chi mà mưa nhiều dễ sợ, mưa rả rích, mưa dầm dề lê thê làm nhưở trên trời có một bà tiên bị phạt vạ phải kiên trì cầm cái rây gieo xuống trần gian những giọt nước li ti ấy suốt ngày này qua tháng nọ.
Mưa Huế hình như cũng căn cơ như người Huế, không mưa trút hết một lần mà dè sẻn như còn “để dành” nước cho lần mưa sau, lại càng không “mưa rồi chợt nắng” vội vàng chóng tạnh nhưở Sài Gòn. Tôi biết không ít người đến Huế một lần vào mùa mưa, chứng kiến cái dai dẳng của mưa Huế đã thở than “ai ra xứ Huế thì ra…”. Và có mấy ai xa Huế mà không phút giây chạnh lòng nhớ đến cơn mưa dầm ở chốn quê xưa?
Những cơn mưa tưởng như thúi trời thúi đất của xứ Huế chính là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nhà thơ nhà văn và Nguyễn Bính, trong những ngày “nằm mốc ở nơi đây” cũng đã thốt lên:
Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày.
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành lạnh ngón tay…
Còn nhớ những ngày dông bão đến, con sông Hương vốn hiền hòa thơ mộng là thế bỗng chốc như biến thành quỷ dữ, dòng nước đỏ ngầu phù sa hừng hực sẵn sàng cuốn phăng tất cả… Hồi còn đi học, tôi thích nhất là những ngày mưa bão vì thế nào cũng được nghỉ học ở nhà. Nhiều khi biết tỏng tòng tong là đến trường rồi cũng sẽ được nghỉ nhưng vẫn cứ đi để có cái cớ mà được lội nước. Trời lụt, ở ngoài đường đông lắm, toàn trẻ con mặc đồng phục học sinh, tay xách cặp, quần xắn lên tận gối mà lòng hân hoan như đi trẩy hội. Cả lũ học trò cứ thế đi lội nước hết con đường này qua con đường khác, thỉnh thoảng còn hắt nước vào nhau đùa giỡn kêu la chí chóe cả góc đường. Lội nước chán về nhà, mẹ bắt chị em tôi ngồi trên cái bàn đằng trước cửa cấm không được thò chân xuống nước kẻo bị nước “ăn chân”. Có năm nước lên to, người ta phải dùng ghe để đi lại nên con đường trước nhà bỗng chốc như biến thành dòng sông và hai chị em tôi lại cuộn mình trong chăn ấm, nhâm nhi lạc rang nhìn cuộc sống vạn đò lạ lẫm hiện ra ngay trước cửa sổ nhà mình. Thỉnh thoảng, rình rập xem mẹ không chú ý là chúng tôi lại thò chân xuống nghịch nước thỏa thích cho đến khi hai bàn chân nhăn nheo lại mới thôi. Ngày ấy, bọn con nít chúng tôi vô tư vì không thấy hết những tổn thất do bão lụt gây ra, khi xem tivi thấy hình ảnh về những thiệt hại về người về của mà cứ ngỡ tận đâu đâu chứ không phải ở ngay trên mảnh đất quê mình.
Nắng rồi lên, bão rồi tan, nước lại trở về với sông với biển, để lại trên mặt đất một lớp bùn dày. Khắp nơi cây cối đổ ngổn ngang, rác rến và lá cây nghẹt đầy trên lối đi lầy lội. Mọi người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi phơi phóng đồ gỗ đã thâm sì vì bị ngâm nước mấy ngày. Cảnh vật rồi cũng trở về như cũ nhưng trên tường nhà nào cũng còn đọng lại những vệt nước như một minh chứng về trận lụt đã qua. Thi thoảng, bọn con nít lại chỉ vào vệt nước trên tường nhà mình hí hửng khoe nhau “hôm bữa lụt nhà tau nước lên tới đây nì”.
Trở về Huế cũng vào những ngày mưa dài lê thê để nghe cái lạnh luồn vào thịt da và làm tím tái những khuôn mặt, bàn tay, đôi chân trần đang tất tả mưu sinh ngoài kia.
Dòng đời vẫn trôi lặng lẽ… Trong cơn mưa đầu mùa, hình ảnh những bác xích lô, chú xe thồ, o bán hàng rong co ro trong tấm áo mỏng manh, đang vật lộn chống chọi với cái lạnh buốt thấu xương mà sao gánh nặng cuộc đời vẫn trĩu nặng đôi vai…