Tại Phiên họp thường kỳ tháng 5-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tình hình kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Sức ép lạm phát lớn có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô trong khi sản xuất kinh doanh gặp khó; tăng trưởng của cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều thấp hơn so với cùng kỳ; lĩnh vực văn hóa, xã hội còn có nhiều vấn đề bức xúc.
Trước bức tranh không mấy sáng sủa đó, ông đề nghị các thành viên chính phủ tập trung làm rõ các hạn chế, khó khăn để đề ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ giữa tuần qua, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm quan điểm của Thủ tướng ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng, phấn đấu đạt 6,7% như Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo cân đối lớn, việc làm, thu ngân sách nhà nước và các vấn đề an sinh xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí, lệ phí. Việc điều chỉnh tăng phí trong lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm y tế phải có lộ trình, không tăng đồng loạt, đồng thời không tăng phí BOT và giữ giá sữa ổn định từ nay đến cuối năm.
Theo ông Dũng, quan điểm của Thủ tướng là chỉ giữ những doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp nhà nước lớn để đảm bảo vĩ mô; các doanh nghiệp nhà nước còn lại thì cần đẩy mạnh cổ phần hóa, xem đây là nguồn lực để đầu tư cho phát triển.
Ông cho biết thêm Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng lộ trình, theo đó đề ra kịch bản giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã chỉ đạo siết chặt kỷ cương của các cơ quan hành chính, nhất là trách nhiệm của các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh để phát triển kinh tế xã hội, kể cả việc tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo, vấn đề an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường xả thải.
Trong dòng thời sự chủ lưu này, Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, với điểm nhấn “Trong thời khắc thử thách”.
Xuyên suốt báo cáo này là hàm ý, Chính phủ mới đang cố để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm nay, dù thực tế có nhiều khó khăn và rủi ro. Khuyến nghị được đưa ra là lựa chọn tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững.
Theo báo cáo trên, tác động dai dẳng của hiện tượng thời tiết El Nino vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, nhưng kỳ vọng sản lượng nhóm ngành sản xuất và dịch vụ phát triển mạnh sẽ giúp GDP quý II-2016 tăng từ 5,6% trong quý I lên 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, HSBC vẫn giữ nguyên dự báo GDP cả năm 2016 của Việt Nam chỉ ở mức 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của HSBC nói rõ “Những lo ngại trong dự báo của chúng tôi bắt nguồn từ chính sách Nhà nước. Cơ quan quản lý mới của Việt Nam đã khẳng định mục tiêu GDP cho năm 2016 vẫn sẽ là 6,7%. Chúng tôi nghĩ mục tiêu này sẽ khó đạt được trong bối cảnh tăng trưởng quý I-2016 thể hiện không tốt cùng với những khó khăn vượt mức kỳ vọng đối với hoạt động xuất khẩu. Như vậy nhu cầu nội địa sẽ nhận trách nhiệm cải thiện tăng trưởng kinh tế”.
Theo HSBC, khi chính sách khuyến khích kinh tế càng lớn, càng nhiều rủi ro chờ đón Việt Nam vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng. Chính sách tài khóa của Chính phủ vẫn còn hạn chế.
Trong năm 2016, bộ phận nghiên cứu của ngân hàng này dự đoán thâm hụt ngân sách của Việt Nam một lần nữa bị nới rộng đến mức 6,6% trên GDP, dẫn đến tỷ lệ nợ công trên GDP đạt ngưỡng giới hạn do Quốc hội đề ra là 65%.
Để giành lại cơ hội tài chính, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều.
Một trong những nguyên nhân gây nên tình hình kinh tế khó khăn được nói đến là doanh nghiêp tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử.
Nội dung này được chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.
Với chủ đề “Thách thức, giải pháp và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam” diễn đàn đã thảo luận 10 chủ đề, bao trùm bảy ngành và ba lĩnh vực.
Thông tin từ diễn đàn này cho thấy sau 20 năm hội nhập, xuất khẩu tăng 30 lần về giá trị tuyệt đối, nhưng GDP của Việt Nam chỉ tăng 9,8 lần, GDP bình quân đầu người tăng 7,7 lần. So sánh ba chỉ số đó cho thấy hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu thấp đến mức đáng lo ngại.
Cơ cấu nền kinh tế dịch chuyển từ công nghiệp 22%, nông nghiệp 38% và dịch vụ 38% năm 1995 nay đã là 42%, 20% và 38% theo thứ tự tương ứng. Đồng thời sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 78% và 70% tương ứng.
Nhìn lại 20 năm đầu hội nhập, khối doanh nghiệp nhà nước đã từng chiếm vị thế áp đảo trong nền kinh tế, được ưu ái mọi mặt, với hy vọng tạo nên những quả đấm thép vì sự phát triển, nhưng đến nay đã tự làm mất đi vai trò tiên phong từng được đặt lên vai họ.
Thay vào đó, Chính phủ chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa, đồng thời khuyến khích hơn nữa sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng thời điểm này, 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2016 có cơ hội gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đã thẳng thắn trình bày về những nỗi khổ mà bộ máy công quyền bên dưới gây ra cho họ. Nào là khó khăn trong việc mời chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đào tạo cho nhân viên, nào là nỗi khổ nộp thuế cho Nhà nước, nào là chuyện đăng ký sản phẩm, nào là phí công đoàn 2% là rất lớn và đề nghị phải công khai, minh bạch trong sử dụng phí này.
Tổng cộng có 15 ý kiến của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính quá rườm rà, chính sách ưu đãi về thuế vẫn hạn chế, ngay cả lĩnh vực được ưu tiên như công nghiệp phụ trợ cũng không đủ để cạnh tranh được với các doanh nghiệp từ nước ngoài và doanh nghiệp FDI.
Gia Minh (DNSGCT)