Xu hướng thời trang vốn luôn thay đổi và có vẻ như đã đến lúc chủ nghĩa tối giản – minimalism – phải tạm lùi lại để nhường chỗ cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa tối đa – maximalism.
Tối giản và tối đa giống như Mặt trời và Mặt trăng trong thế giới thời trang, thay phiên nhau thống lĩnh trào lưu ăn mặc. Nếu trong giai đoạn trước năm 2010, thời trang được ví như những bữa tiệc xa hoa lộng lẫy, nếu không là những chiếc đầm dạ hội ball gown hoành tráng thì cũng chi chít những chi tiết cầu kỳ bằng nhiều loại chất liệu và được xử lý khá công phu. Đó là thời điểm mà những cái tên như Alexander McQueen, John Galliano, Jean Paul Gaultier hay Christian Lacroix được tôn vinh như những vị thánh của thời trang vì những thiết kế của họ tạo ra những giấc mơ về thời trang cho mọi người.
Nhưng rồi chủ nghĩa tối đa cũng rơi vào thoái trào khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến thời trang, làm cho người ta bắt đầu phải tỉnh táo, đong đếm kỹ lưỡng hơn và không còn thời gian cho những thứ phi thực tế, quá xa rời đời sống hằng ngày. Và thế là cơ hội đã đến với chủ nghĩa tối giản: Minimalism bắt đầu xâm lấn thế giới thời trang!
Chủ nghĩa tối giản được ưa chuộng vì sự đơn giản trong kiểu dáng nhưng vẫn đảm bảo nét tinh tế trong cắt may và chất liệu. Nói một cách khác, chủ nghĩa tối giản tượng trưng cho cái đẹp ẩn sau sự chuyên nghiệp, nghiêm túc và có phần thực dụng. Những tên tuổi nổi bật của phong cách tối giản là Phoebe Philo của Celine, Raf Simons, Christophe Lemaire, Rick Owens. Sức ảnh hưởng của họ mạnh tới nỗi khắp các sàn diễn thời trang đều mang hơi thở của sự tinh giản.
Thế nhưng, có vẻ như thời của chủ nghĩa tối đa đã trở lại khi Alessandro Michele trở thành giám đốc sáng tạo cho Gucci. Sự thay đổi kỳ quặc nhưng vui tươi và trẻ trung của Gucci bắt đầu làm thay đổi xu hướng thời trang. Đầu tiên là trang phục bắt đầu có nhiều chi tiết trang trí cầu kỳ hơn, tiếp theo là phụ kiện túi xách và giày dép cũng có vật yểm trợ. Có thể nói sự trở lại lần này của maximalism khéo léo hơn khi trung hòa được yếu tố thương mại và sự phóng khoáng bay bổng của thời trang.
Sau nhiều mùa lặp lại với ren và văn hóa Italy, Dolce & Gabbana mang đến một bộ sưu tập mang sắc màu cổ tích, nơi mà ước mơ trở thành công chúa của mọi cô gái xem ra không khó để trở thành hiện thực. Điểm nhấn trên trang phục là những chi tiết trang trí cầu kỳ được phối một cách ngẫu hứng. Còn Tod’s – hãng thời trang chuyên về da lại thể hiện chủ nghĩa tối đa qua cách xử lý chất liệu khi tạo họa tiết kẻ carô bằng cách đan sợi da trên cả trang phục lẫn phụ kiện.
Chưa hết, cách phối hợp phụ kiện với trang phục tự do trong bộ sưu tập của Prada hay lối tạo nên những bộ trang phục bằng sự pha trộn giữa chất liệu và đường cắt thú vị như kể về nhiều câu chuyện khác nhau do “ông hoàng của chủ nghĩa tối đa” John Galliano thực hiện trong các bộ sưu tập của Maison Margiela càng giúp cho maximalism tung hoành trên các sàn diễn.
Tối đa trở lại không có nghĩa là tối giản biến mất. Vẫn còn đó những bộ sưu tập mang tinh thần tinh giản dành cho những ai yêu thích sự giản đơn. Nhưng điều lý thú là sự nhân rộng của vẻ cầu kỳ hẳn sẽ mang đến một nguồn năng lượng mới, làm cho thời trang trở nên sống động và nhiều màu sắc hơn.