Những ngày qua, với tin Prince qua đời đột ngột vào ngày 21-4-2016 ở độ tuổi 57, mạng xã hội khắp thế giới trong đó có Việt Nam chia sẻ clip trình diễn tại Rock and Roll Hall of Fame năm 2004.
Đó là năm mà George Harrison được tôn vinh tại thánh đường nhạc rock này, sau khi ông đã qua đời. Ban tổ chức đã quyết định mời nhiều hảo thủ tiếng tăm của làng nhạc, trình diễn lại một sáng tác của George Harrison khi còn trong nhóm Beatles là bài While My Guitar Gently Weeps. Những người bạn thân như Jeff Lynne (nhóm ELO), Tom Petty (nhóm Heartbreaker), Steve Winwood (nhóm Blind Faith) được triệu tập.
Hai người đầu đã từng sát cánh bên George Harrison trong siêu nhóm Travelling Wilburys (cùng với Bob Dylan và Roy Orbison) còn Steve Winwood từng xuất hiện trong album solo thứ tám của George. Con trai của George là Dhani, theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, tham gia vào album cuối của George, cũng được mời biểu diễn.
Nhưng đó cũng là năm mà Prince cùng được tôn vinh tại Hall of Fame. Anh chính là người đã mở màn buổi lễ tôn vinh với dàn nhạc đệm lên đến chín người, trình diễn các sáng tác của mình là Let’s Go Crazy, Kiss và Sign o’ the Times. Ban tổ chức buổi lễ đã nhân tiện mời Prince tham gia vào phần tưởng nhớ George Harrison.
Prince thuộc thế hệ sau, nhỏ hơn các huyền thoại kia trên dưới 10 tuổi. Vợ của George khá lo lắng và chỉ muốn bản nhạc của chồng mình được diễn bởi những người quen biết trong khi Prince, sau này thú nhận rằng anh chỉ biết đến bài này khi được mời biểu diễn. Lý do đầu tiên mà anh nhận lời là vì cơ hội được diễn chung với Tom Petty! Nhưng mọi thứ cũng được dàn xếp êm xuôi.
Nửa đầu của phần diễn, mọi thứ êm ả, du dương như bất cứ lần nào ca khúc kinh điển này được diễn. Jeff Lynne và Tom Petty lần lượt thay nhau hát các phiên khúc. Prince lấp ló bên cánh phải với chiếc mũ màu đỏ. Nhưng khi ánh đèn spotlight soi vào anh, mọi thứ thật sự khác biệt.
Prince chứng tỏ khả năng của mình với cây đàn guitar, thứ dường như đã bị chìm khuất trong sự nghiệp quá nhiều màu sắc của anh. Dhani, trẻ nhất trong những nghệ sĩ đứng trên sân khấu, đã không giấu được vẻ thích thú với phong thái của Prince, nhất là khi anh quay lưng lại với khán giả, ngã người ra và có một nhân viên hậu đài đợi sẵn để đỡ, đẩy nhẹ anh trở lại sân khấu.
Tất cả các động tác và tư thế đó không hềảnh hưởng gì đến câu guitar solo mà Prince đang diễn, mọi thứ vẫn mượt mà trôi chảy. Dhani hào hứng kể lại sau sân khấu: “Tôi muốn làm bạn với anh ấy, chúng tôi có cùng chiều cao!”. Phần trình diễn này là điểm sáng của đêm trao giải và cũng là một trong những version xuất sắc nhất của ca khúc này dù bản gốc có phần guitar solo của Eric Clapton.
Có ba lần, kênh MTV quốc tế dừng hẳn chương trình phát sóng thường lệ để phát liên tục các MV của một nghệ sĩ (music video marathon). Đó là khi Michael Jackson qua đời năm 2009, khi Whitney Houston qua đời năm 2012 và mới đây là khi Prince qua đời năm 2016. Đây là các tên tuổi đã đi cùng sự ra đời và lớn mạnh của kênh MTV trong thập niên 1980. Cho dù hiện nay đối tượng hay hướng đi có thể thay đổi nhưng việc tri ân này vẫn được thực hiện.
Như phần tiểu sử được viết trong Rock and Roll Hall of Fame: Prince đến với làng nhạc vào cuối thập niên 1970 và không mất nhiều thời gian để khiến làng nhạc sửng sốt với âm nhạc và phong cách lôi cuốn của anh. Giai đoạn đột phá của Prince là ở đầu thập niên 1980, trùng với thời điểm ra đời của kênh MTV. MV Little Red Corvette của Prince cùng với Billie Jean của Michael Jackson là hai MV của nghệ sĩ da đen đầu tiên được phát sóng dày đặc trên kênh MTV.
Sự thay đổi phong cách nhạc của Prince thậm chí còn được so sánh với huyền thoại nhạc jazz là Miles Davis. Có lần Prince còn đổi tên mình thành một ký tự không phát âm được mà anh gọi là biểu tượng tình yêu và các tờ báo khi đăng phải chú thích thêm: “Người nghệ sĩ trước đây được biết dưới cái tên Prince”.
Prince là một nghệ sĩ rất cầu toàn, cá tính và có phần lập dị. Trong năm album đầu của mình, gần như một mình anh chơi tất cả các nhạc cụ, riêng album đầu tay là anh xử tới 27 nhạc cụ! Nhưng về sau, anh lại lập ra rất nhiều nhóm nhạc khác nhau và trong các nhóm nhạc của anh xuất hiện khá nhiều nhạc công nữ, hơi khác lạ với làng nhạc.
Anh cũng nhanh chóng thích nghi với các công nghệ mới trong âm nhạc như trống điện tử và các hiệu quả phòng thu khác. Ngược lại, trong khi hầu hết các nghệ sĩ khác đều bắt tay với streaming, phương thức được xem là lối thoát của làng nhạc hiện nay thì Prince vẫn nói không. Các dịch vụ nhạc số lớn nhất hiện nay như Spotify, Apple Music, Deezer, SoundCould và ngay cả YouTube đều có lượng bài hát của Prince rất ít ỏi.
Cuộc chiến của anh với nhạc số diễn ra từ năm 2007 và anh đấu tranh quyết liệt vì cho rằng nghệ sĩ đã không được trả tiền đúng mức ở định đạng nhạc số. Thậm chí, năm 2014, anh còn kiện 22 người dùng Facebook, có lẽ là 22 fan cứng của anh, vì đã up các clip diễn live lên Facebook. Số tiền bồi thường đòi hỏi lên đến 22 triệu USD. Anh cùng các luật sư còn tìm được cách hủy 300 vụ mua bán trên eBay liên quan đến các vật phẩm lấy cảm hứng từ Prince như ly, móc khóa, vớ… mà không có sự cho phép của anh.
Quyết liệt là thế trong khi các năm gần đây, Prince lại vui vẻ tặng miễn phí các album Planet Earth và 20Ten của mình kèm theo các tờ báo ở Anh, Bỉ, Đức và Pháp chứ không phát hành theo kiểu thông thường.
Chuyện sử dụng mạng xã hội của Prince trở thành huyền thoại khi anh mở cuộc trò chuyện trực tuyến trên Facebook, được quảng bá rầm rộ, kéo dài ba tiếng đồng hồ để rồi Prince trả lời một lần duy nhất cho một câu hỏi rất vĩ mô và làm ngơ tất cả các câu hỏi khác. Đó là câu hỏi “Tại sao tất cả âm nhạc đều phải chỉnh vào tần số 432hz?”, Prince trả lời ba chữ “Tiêu chuẩn vàng” kèm đường link tới một bài viết giải thích tại sao âm nhạc phải cần được chuyển qua 432hz vì đó là tần số thích hợp nhất với tai người!