Cho dù các chỉ số chính đã bỏ lỡ nhịp tăng cùng với sự tăng mạnh thanh khoản trong nửa cuối tháng 3, thậm chí còn lui về dưới mức giá của thời điểm cuối năm ngoái, thì có một tín hiệu khá tích cực là tâm lý của nhà đầu tư không bị dao động do sự kém sắc của thị trường. Không có dấu hiệu xả hàng, bán tháo, có chăng là lực cầu bắt đáy mạnh hơn khiến cho các chỉ số nhanh chóng bật lên khi chạm ngưỡng nhất định và do nguồn cung hàng giá rẻ không nhiều, thanh khoản ở vùng giá thấp không lớn. Đó cũng là câu chuyện của hai chỉ số chính trong những ngày qua, bật tăng mạnh khi về vùng 555-560 điểm (với VN-Index) và 78-79 điểm (với HNX-Index), về lại quãng giá khá hợp lý là 570 (VN-Index) và 80 (HNX-Index). Tuy nhiên, việc thanh khoản tương ứng giảm xuống cho thấy đà hồi phục của thị trường có thể chưa bền vững.
Đi vào phân tích kỹ hơn, sẽ thấy đà đi lên của chỉ số không phải nhờ sự đồng thuận tăng giá của số đông cổ phiếu, khi chỉ hai bluechip là VNM và GAS trong tuần từ 4 đến 8-4 đã đóng góp đến 7,9 điểm, tương đương 57% số điểm tăng của VN-Index, với mức tăng giá lần lượt là 6,7% và 6,2%. Bên cạnh đà tăng của một số cổ phiếu ngành thép, xây dựng và bất động sản, giá cổ phiếu một số doanh nghiệp riêng lẻ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau cũng tăng khá, thu hút được dòng tiền. Chúng có chung đặc điểm là doanh nghiệp có thông tin hỗ trợ như nới room cho khối ngoại, thoái vốn nhà nước, kết quả kinh doanh quý I tốt đẹp, chia cổ tức cao…
Việc nhà đầu tư cá nhân trong nước giữ được tâm lý ổn định trong quãng thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ khối ngoại. Kể từ đầu tháng 4, bất chấp thanh khoản thị trường giảm sút, họ vẫn đều đặn mua ròng. Nếu loại bỏ giá trị thỏa thuận đột biến hai cổ phiếu VIC và MSN, khối ngoại đã mua vào gần 400 tỉ đồng trên hai sàn trong tuần từ 4 đến 8-4. Những bluechip chất lượng vẫn đang hấp dẫn dòng vốn ngoại, trong đó không thể bỏ qua VNM – một trong những cổ phiếu được khối ngoại săn đón nhất. Đợt tăng giá lần này của VNM có một phần do dòng tiền đầu cơ trong nước, đón đầu thông tin công ty xin rút bảy ngành nghề để mở đường cho cổ đông biểu quyết nới room trong kỳ đại hội tới. Việc khối ngoại cũng không bán ra khi VNM vượt đỉnh giá cũ là 140.000 đồng/cổ phiếu cho thấy nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang kỳ vọng bluechip này còn tiếp tục tăng giá.
Một tác nhân có ảnh hưởng không nhỏ nữa đến thị trường chính là dòng cổ phiếu dầu khí. Sự giằng co của giá dầu thế giới từ vùng đáy (dưới 32 USD/thùng) lên quanh vùng 40 USD/thùng thời gian qua khiến cho dòng cổ phiếu dầu khí “tạo sóng” trở lại sau một quý kinh doanh (I-2016) khó khăn nhất trong hơn mười năm qua của ngành dầu khí. Nếu giá dầu trụ được quanh mốc 40 USD/thùng và có xu hướng tăng trong năm nay, các cổ phiếu thuộc dòng dầu khí sẽ hồi phục. Chính vì sự liên kết chặt chẽ giữa giá dầu thế giới với giá cổ phiếu dầu khí trên sàn, nên rất nhiều nhà đầu tư trong nước phải theo dõi giá dầu hằng ngày nếu có ý định đầu tư vào dòng cổ phiếu này. Cuộc gặp của các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) diễn ra cuối tuần này tại Qatar sẽ có tác động không nhỏ đến giá dầu thế giới và kéo theo thay đổi của giá cổ phiếu dòng dầu khí trên sàn giao dịch.
Nhìn chung, với kết quả kinh doanh quý I và kế hoạch năm 2016 của đa số doanh nghiệp niêm yết được công bố tương đối tốt, cộng thêm các yếu tố vĩ mô khá ổn định, thị trường chứng khoán có thể bước vào giai đoạn tích lũy để hướng đến một cột mốc tăng điểm mới.
Ngọc Khang (DNSGCT)