Sau gần hai tháng có mức tăng đáng kể từ vùng đáy (ngày 22-1), hai chỉ số chính của thị trường chứng khoán nước ta đã không thể tiếp tục thăng hoa. Nửa cuối tháng 3 với xu hướng đi xuống là chủ đạo đã xóa đi hầu hết những thành quả đạt được trước đó và khiến cho thị trường có quý giao dịch đầu tiên không thành công. Hết quý I, VN-Index giảm từ 579,03 điểm xuống còn 561,22 điểm, mất 3% giá trị, trong khi HNX-Index cũng giảm nhẹ 1,1%, từ 79,96 điểm xuống còn 79,05 điểm. Điều đáng tiếc nhất là giai đoạn “bùng nổ” thanh khoản đã kết thúc mà không đi kèm với một sự gia tăng điểm số. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi áp lực xả hàng diễn ra trên diện rộng, kéo các chỉ số lùi dần, thì thanh khoản của hai sàn giao dịch cũng bắt đầu giảm sút. Dù trong tuần cuối tháng 3 đầu tháng 4, khối ngoại đã hoạt động tích cực hơn trước (mua ròng gần 416 tỉ đồng trên cả hai sàn, gần 353 tỉ đồng trên HSX và gần 63 tỉ đồng trên HNX) thì chừng đó vẫn không đủ để nâng đỡ thị trường.
Nếu chỉ nhìn vào các chỉ số, dường như thị trường chứng khoán nước ta đang không hấp dẫn và ít thu hút dòng tiền đầu tư. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế rằng trong thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu, huy động thêm một nguồn tiền đáng kể từ phía nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nhìn chung vẫn “hút khách”. Tính từ đầu năm 2016 tới nay, các doanh nghiệp nước ta IPO một lượng cổ phiếu có giá tương đương 170 triệu USD – con số cao nhất trong khu vực. Sắp tới, còn có 177 doanh nghiệp nhà nước thực hiện IPO cho đến năm 2020, trong đó có những tên tuổi như Công ty Thông tin Di động Việt Nam (MobiFone), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam… Nghĩa là, thị trường chứng khoán vẫn đang hoạt động khá tích cực.
Vậy nên, cũng không cần quá băn khoăn về đà suy giảm của các chỉ số. Trong giai đoạn không có các yếu tố kinh tế vĩ mô thực sự thuận lợi như năm nay, một kịch bản tăng điểm mạnh là rất khó. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn có thể thu được lợi nhuận nhờ việc tìm kiếm cổ phiếu của những doanh nghiệp có câu chuyện riêng như thoái vốn, tái cơ cấu hay nới room cho khối ngoại. Với nhà đầu tư chuyên nghiệp và có khả năng thẩm định thông tin tốt, có thể tìm ra những doanh nghiệp trước đây còn tồn kho nhiều nguyên liệu giá rẻ, bởi sự phục hồi của giá cả hàng hóa nguyên liệu đầu vào thời gian gần đây sẽ giúp cho những đơn vị này hưởng lợi. Hoặc các doanh nghiệp như logistic, xây dựng cơ sở hạ tầng và vật liệu xây dựng… sẽ hưởng lợi từ làn sóng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước ta nhằm đón đầu TPP. Hay những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đang gây khó khăn cho ngành thủy điện, nông nghiệp nhưng lại là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có các doanh nghiệp nhiệt điện. Điều này đã được phản ánh vào xu thế, khi dòng tiền những ngày qua tập trung khá lớn vào cổ phiếu ngành nhiệt điện (các mã như NT2, BTP…), hay những cổ phiếu liên quan đến các loại hàng hóa cơ bản.
Một yếu tố cần đề cập đó là sự tác động từ khối ngoại. Trong ngắn hạn, nhiều khả năng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chịu áp lực bán ròng, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa đưa ra tín hiệu về một khả năng tăng lãi suất USD trong ngắn hạn. Điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường, giúp hai chỉ số chính có thể tiếp tục dao động trong vùng giá hiện nay. Tình hình, vì vậy, sẽ không quá tiêu cực và vẫn có nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư trong việc tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng tốt.
Ngọc Khang (DNSGCT)