Có lẽ ít nơi nào trên thế giới có nhiều tên gọi như Đà Lạt của nước ta. Nào là Thành phố mộng mơ, Thành phố tình yêu, Thành phố ngàn hoa, Thành phố ngàn thông, Thành phố mưa phùn, Thành phố sương mù, Xứ hoa đào, hay có vẻ Tây phương và diễn tả ý đồ thời thuộc địa nhất, là “Tiểu Paris”.
Quyển Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp(*), dịch từImperial Heights của Eric T. Jennings, cho chúng ta cái nhìn khác vềĐà Lạt, nơi cho tới bây giờ chỉ biết đại khái là do bác sĩ Yersin khám phá, và là nơi để thiên hạ có tiền thì đi nghỉ mát xả hơi, ít tiền thì cũng ráng làm du khách vài ba hôm vào tuần trăng mật, thưởng thức tính xa hoa sang trọng trong những ngôi biệt thự phong cách Tây phương. Ông Jennings đã giới thiệu cho chúng ta từng giai đoạn một, tất cả cái huy hoàng hay hiu quạnh của thành phố ngàn thông, từ thời mà vùng núi non này chỉ có vài ba trăm người dân tộc thiểu số sinh sống vào những năm cuối thế kỷ XIX, đến nay. Ban đầu người Pháp chỉ nghĩ đến chuyện tìm nơi cho binh sĩ và nhân viên nghỉ ngơi dưỡng bệnh, tránh vùng đồng bằng thời đó nhiều đầm lầy muỗi mòng và sốt rét. Về Pháp thì xa xôi tốn kém. Tiếp theo họ nghĩ đến chuyện kiến tạo một nước Pháp nhỏ, nơi có thể đám trẻ con mắt xanh tóc vàng bình an tung tăng rồi truyền giống, và hy vọng nơi này sẽ là thủ đô của Liên bang Đông Dương tương lai. Nghĩa là tưởng có thể bám rễ đời đời.
Nếu đại khái những điều đó nhiều người đã biết, thì Jennings lại đưa chúng ta vào những ngõ ngách từng người dân tộc thiểu số hay tù nhân phá rừng rậm làm đường, cõng vác vật dụng từ vùng xuôi lên để xây cất bao nhiêu cơ ngơi cầu kỳ tráng lệ. Ban đầu người dân tộc thiểu số chưa biết và chưa thiết đồng tiền, cũng chưa có quan niệm được trả công, chỉ trưng dụng ép làm mới hiệu nghiệm. Và như bất kỳ một cuộc khai phá nào, đã biết bao nhiêu người bỏ mạng. Nhưng con số này không bao giờ được nhắc đến chính thức, phần vì không nắm hết, mà cũng có lẽ vì tiện dân không đáng kể. Bây giờ cứ nhìn lại những công trình đó đủ hiểu công sức cỡ nào. Rồi khiêng kiệu cho những bà đầm. Rồi phục dịch. Và làm biểu tượng cho người Pháp quảng cáo cù rủ du khách năm châu: hình ảnh người Mọi hoang dã đóng khố cầm chiếc giáo hay cung tên đứng bên xác cọp, xác voi, đối với dân Âu châu vừa dữ tợn vừa bí hiểm quyến rũ.
Ngày nay đọc trên mạng thì: Tuy Đà Lạt mang đậm dấu ấn của những kiến trúc sư người Pháp, nhưng các nhà kiến trúc này khi thiết kế những công trình cho Đà Lạt cũng đã chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên, đặc biệt là các điều kiện về khí hậu thời tiết, cảnh quan môi trường nơi đây. Hiện tượng giao thoa này đã đem lại cho Đà Lạt một phong cách kiến trúc riêng độc đáo và nhiều bản sắc. Tuy vậy, sau nhiều thập niên phát triển thiếu quy hoạch và buông lỏng quản lý, kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt đã chịu nhiều biến dạng. Tình trạng xây cất trái phép, không phù hợp với quy hoạch, lấn chiếm những khu vực trống, tàn phá rừng nội ô… khiến bộ mặt kiến trúc đô thị của Ðà Lạt ngày nay trở nên nhem nhuốc. Không ít công trình kiến trúc giá trị không được bảo tồn tốt phải hứng chịu sự tàn phá của thời gian. Trong khắp thành phố, nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc biến thành chung cư, nhà trọ.
Cho nên trừ các khu Dinh vẫn còn tương đối an lành thanh lịch, nói chung khắp nơi đều nhốn nháo. Dinh 3 là dinh vua Bảo Đại, một trong những địa điểm cho du khách tham quan. Vào trong mới thấy thuở đó mang tiếng xa hoa tráng lệ của vua chúa vẫn không thấm vào đâu với đại gia hiện tại. Chú hướng dẫn nói “Con cháu Bảo Đại ở đầy trong đó”, “Ủa…”, “Dạ thiệt mà, mọi người đều cùng tên khai sinh là… bảo vệ”. Phó nhòm thì ra sức ép du khách thắng bộ long bào. Chớp vừa xong “bô hình” trong tư thế ít nhiều căng thẳng vì có nhiều hoàng gia khác chờ, là phải cởi ra, hoàng hậu chưa kịp hỏi “gương ơi ta có đẹp không”, chớ đừng hòng ra lệnh cho nhà bếp bắt con công làm nem bắt con phụng làm chả, vua thì chưa kịp rượt đám tì thiếp mới tuyển, đã phải cởi áo bào cho đế khác, trả tiền, đội nắng lội bộ ra cổng chớ chẳng dù lọng kiệu kiếc gì, có gì mà thú?
Ngoài những nơi quen thuộc thường nghe, Làng Đất Sét là điểm du lịch mới mẻ của Đà Lạt, cũng có nhiều tên, là Đường hầm đất đỏ, Đường hầm điêu khắc, Đường hầm đất sét. Toàn bộ công trình có tính nhân văn và tái tạo lại lịch sử hình thành Đà Lạt. Các tác phẩm đồ sộ màu vàng sậm hay đỏ ngói đứng thách nắng. Đối lại bên kia là hồ Tuyền Lâm mơ màng nước màu lục ngọc nằm im. Đồi thông che mát, bên cạnh có quán nước hóng gió dịu dàng sảng khoái.
Tượng bán thân ông Yersin lừng lững giữa nắng mưa, nhìn xuống nhiều tác phẩm còn đang kiến thiết. Ngọn LangBiang vươn trên bờ hồ có long ly quy phụng, những con voi to sải bước, các con khỉ “không nghe, không nhìn, không thấy”. Thành phố, tàu lửa, nhà thờ, xe ngựa, chiếc Vespa vĩ đại ai cũng leo lên hoặc đứng ké chụp hình…, nhất là căn nhà Việt Nam độc đáo có mái nắn hình hai quần đảo thân thương.
Thú thiệt gọi là “đường hầm” nhưng lộ thiên, trời nóng, đi dạo cũng bở hơi tai. Được cái khách thưa thớt, nên khỏi bị cảnh bước đi một bước giây giây lại dừng dưới trời nổ lửa.
Cảm ơn ông Jennings đã cho độc giả hiểu nhiều về thành phố có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, và còn đẹp hơn nữa với kỷ niệm sức người. Như thể nhiều cái tên văn chương kể trên vẫn là chưa đủ, thiên hạ còn nôm na qua các tiện ích đời thường, gọi nó là Thành phố ba không: không xích lô, không máy lạnh, không có đèn xanh đỏ…
Tháng 3-2016