Tình trạng khan hiếm “văcxin 5 trong 1” Pentaxim, khiến đông đảo phụ huynh phải chen lấn xếp hàng ở nhiều bệnh viện trên cả nước để đăng ký cho con chích ngừa, đang là vấn đề trầm trọng nhất trong lĩnh vực y tế hiện nay.
Văcxin Pentaxim, còn gọi là văcxin vô bào, giúp bảo vệ trẻ em phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và phòng nhiễm khuẩn xâm lấn do vi khuẩn Haemophilus influenzae Týp B ở trẻ em. Hiện trên thế giới chỉ có ba nhà sản xuất văcxin này là Takeda (Nhật), GlaxoSmithKline (Anh) và Sanofi (Pháp). Do nguồn cung không đủ, hầu hết các nước đều thiếu nhưng họ linh hoạt, không có văcxin vô bào thì sử dụng loại toàn tế bào. Trong khi đó người Việt Nam do lo ngại tai biến văcxin, lại nghĩ rằng văcxin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng không tốt bằng văcxin dịch vụ, nên chỉ muốn sử dụng loại vô bào, càng làm tình trạng khan hiếm tăng hơn. Cục trưởng Trương Quốc Cường của Cục quản lý Dược – Bộ Y tế hôm 23-12 cho rằng tâm lý này là nguyên nhân dẫn đến thiếu nguồn cung trầm trọng.
Theo ước tính của Cục Quản lý Dược, thị trường Việt Nam mỗi năm nhập khoảng 200.000-300.000 liều văcxin “5 trong 1”, trong khi nhu cầu khoảng 600.000 đến 1 triệu liều. Cục Quản lý Dược đã đàm phán hơn một năm nay với nhà sản xuất Sanofi để đạt được thỏa thuận cung cấp 160.000 liều Pentaxim trong năm 2015 thay vì chỉ 40.000-50.000 liều như mọi năm. Số văcxin này phía nhà sản xuất cho biết phải điều phối từ các nước khác như Thái, Malaysia… để cung cấp cho Việt Nam.
Văcxin Pentaxim về Việt Nam hiện nay được phân phối chỉ bởi hai công ty là Hồng Thúy (Hà Nội) và May (Sài Gòn). Ở miền Bắc văcxin được cung ứng theo cơ chế không đấu thầu và tiêm chủng ở trung tâm, còn miền Nam cung ứng theo hình thức bệnh viện đấu thầu.
Theo ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Y tế Dự phòng, sắp tới Bộ Y tế sẽ tính đến nhiều phương án tổ chức cho người dân đăng ký tiêm ngừa cho con, có thể qua mạng hoặc đăng ký trực tiếp để tránh tình trạng chen lấn xô đẩy.
Gia Minh (DNSGCT)