Người ta nói rằng thời trang cần phải thay đổi và đúng là nó luôn luôn thay đổi. Có điều, thời trang năm 2015 lại chứa đựng quá nhiều sự thay đổi khiến các tín đồ liên tục bị bất ngờ. Mời độc giả cùng nhìn lại những tiêu điểm thời trang trong năm vừa qua.
Vật đổi sao dời
Khá nhiều thương hiệu đã thay đổi giám đốc sáng tạo với hy vọng có được nguồn sinh khí mới, đồng thời thu hút sự quan tâm của báo giới và khách hàng. Điển hình là trường hợp Peter Dundas rời Emilio Pucci để trở lại với Roberto Cavalli và đồng thời, Massimo Giorgetti là nhân tố mới thay thế cho Dundas.
Tuần lễ thời trang Paris Xuân-Hè 2016 đánh dấu sự trở lại của thương hiệu Courreges lừng danh hồi thập niên 1960 với nhà thiết kế trẻ tài năng Sebastien Meyer. Thế nhưng nổi trội nhất vẫn là cú lột xác ngoạn mục tại nhà Gucci khi giám đốc sáng tạo mới Alessandro Michele mang đến vẻ đẹp hoài cổ, lãng mạn pha chút unisex. Không chỉ mang đến hình ảnh cô thủ thư sành điệu đầy bất ngờ, Michele còn có công làm sống lại họa tiết Monogram nổi tiếng của Gucci. Trước đó không ai có thể nghĩ rằng họa tiết mang logo thương hiệu lại có thể trở nên hợp mốt một lần nữa.
Bên cạnh sự xuất hiện của nhiều cái mới là những cái cũ ra đi đầy tiếc nuối. Trong khi tin Alexander Wang nói lời từ biệt Balenciaga được thông báo trước đó thì không ai ngờ rằng chỉ sau vài tháng trình diễn bộ sưu tập Xuân-Hè 2016 tại Tuần lễ thời trang Paris thì hai nhà thiết kế tài năng của Christian Dior và Lanvin đều chia tay những thương hiệu mà họ từng gắn bó. Thông tin ấy đã gây rúng động làng thời trang thế giới và tất nhiên lại rộ lên tin đồn về những người sẽ thế vị trí của họ.
Cộng sinh trong thời trang tiếp tục ghi điểm
Một trong những chìa khóa dẫn đến thành công trong ngành công nghiệp thời trang ngày nay chính là sự hợp tác để phát triển mẫu mã mới mà trường hợp điển hình là H&M. Bộ sưu tập của nhà tạo mẫu này với sự góp sức của Balmain đã gây được chú ý và thu hút chưa từng có khi người người xếp hàng ngày đêm để mua những sản phẩm thời trang mà họ yêu thích. H&M đã vô cùng khôn khéo khi chọn đúng thương hiệu và người đại diện đang được giới trẻ – đối tượng khách hàng chính của mình – quan tâm và yêu thích. Thử hỏi bất cứ tín đồ thời trang nào xem có ai không muốn mặc đồ hiệu giống thần tượng của mình?
Năm của triển lãm thời trang
Gọi 2015 là năm của triển lãm thời trang là khá chính xác vì các thương hiệu thời trang lớn liên tiếp tổ chức những buổi triển lãm trưng bày những thiết kế từ cổ chí kim của mình như Missoni, Lanvin và Giorgio Armani. Đáng chú ý nhất là sự kiện triển lãm trang phục theo chủ đề hằng năm của Bảo tàng MET. Năm nay, với chủ đề “Trung Quốc đằng sau cặp kính” (China through looking glass), bên cạnh những thiết kế tuyệt đẹp mang âm hưởng Trung Hoa được trưng bày bên trong bảo tàng thì màn khoe sắc của các khách mời trên thảm đỏ cũng được giới hâm mộ quan tâm và xôn xao bàn tán.
Thời trang là những chuyến du ngoạn
Có lẽ Resort và Pre-fall là hai yếu tố phù hợp nhất trong năm để các thương hiệu thời trang lớn tận dụng nhằm theo đuổi mục đích tìm “chân trời mới”, không chịu quanh quẩn ở Paris, Milan hay London, New York mãi.
Như mọi lần, Chanel liên tục gây bất ngờ khi chọn thủ đô Seoul của Hàn Quốc làm địa điểm để trình diễn bộ sưu tập Resort và thủ đô Rome của Ý cho bộ sưu tập Pre-fall. Trong khi đó, Christian Dior lại chọn vùng biển Côte d’Azur ở niềm Nam nước Pháp, Louis Vuitton chọn California.
Cùng với các màn trình diễn của Gucci tại New York, của Max Mara tại London, những hoạt động biểu diễn đó không chỉ đem lại nguồn cảm hứng mới cho giới mộ điệu, mà còn giúp thương hiệu thời trang đến gần hơn với giới tiêu dùng bình dân.
Hoàng Lê