Sau hai năm hợp tác với Stefan Edberg, Roger Federer đã chính thức thông báo chia tay huấn luyện viên và cũng là thần tượng của anh để tự làm mới cho mùa giải 2016 với mục tiêu ít nhiều được điều chỉnh cho phù hợp.
Quyết định của Federer gây bất ngờ và thậm chí bị đánh giá là một bước lùi, vì người mà anh chọn thay cho Edberg là Ivan Ljubicic. Trong hai năm qua, Federer và Edberg là một đội hình mạnh tự nhiên vì phong cách thi đấu lịch lãm của họ hợp với nhau một cách hoàn hảo.Dù không đoạt được danh hiệu Grand Slam nào dưới thời của Edberg, nhưng Federer cũng đã ổn định lối chơi. Ông thầy Thụy Điển được bổ sung vào ê-kíp huấn luyện năm 2013, thời điểm Federer 32 tuổi vừa có một mùa giải gây thất vọng nhất trong sự nghiệp, rớt từ hạng 2 xuống hạng 6 ATP và chớm xuất hiện những dấu hiệu không thể tránh khỏi của sự tụt giảm nghề nghiệp do thi đấu quá lâu như chấn thương, thay vợt, thua sốc từ vòng ngoài.
Nay Federer đã 34 tuổi và trở lại vị trí số 3 thế giới với sáu danh hiệu trong mùa giải 2015. Với sự trợ giúp của Edberg, tay vợt Thụy Sĩ tìm lại được lối chơi lên lưới để chiến thắng mà không phải tiêu hao nhiều sức lực như thời trai trẻ. Hiện chẳng ai nói rằng anh đang xuống phong độ.
Tuy nhiên theo tờ New York Times, Federer muốn tiếp tục hợp tác, nhưng Edberg từ chối tiếp tục sự nghiệp huấn luyện sau khi đã gia hạn thêm một năm. “Dù sự hợp tác lúc đầu chỉ dự định là một năm, nhưng Stefan đã nhận lời kéo dài trải nghiệm thêm một mùa nữa, đó là điều tôi đánh giá rất cao. Anh ấy đã dạy tôi rất nhiều điều và ảnh hưởng của anh ấy đến lối chơi của tôi sẽ còn kéo dài”, Federer nói.
Về phần mình, Edberg giải thích cả hai bên đã quyết định rằng 2015 là năm cuối cùng hợp tác: “Tôi tin rằng Roger còn mang đến nhiều điều cho quần vợt và có thể đoạt các danh hiệu quan trọng. Tôi hy vọng và sẽ cố gắng đến xem Roger thi đấu ở vài giải trong năm 2016”.Quyết định chọn Ljubicic, nhưng Federer vẫn tiếp tục làm việc với Severin Luthi, huấn luyện viên của anh từ năm 2008.Ljubicic (36 tuổi), cũng là bạn thân của Federer, sẽ đóng vai trò cố vấn. Cựu tay vợt người Croatia đã ngừng thi đấu từ năm 2012 và huấn luyện Milos Raonic từ năm 2013. Trong sự nghiệp 14 năm thi đấu, Ljubicic đoạt 10 danh hiệu và từng vươn lên vị trí số 3 thế giới. Anh từng đánh bại Federer ba lần trước khi thua cả 10 trận gặp lại.
Ljubicic sẽ không mang lại cảm hứng thi đấu cho Federer như cách Edberg đã làm.Thậm chí lúc còn thi đấu Ljubicic cũng không phải là tín đồ giao bóng – lên lưới dù có chiều cao tốt. Nhưng Ljubicic sẽ mang lại điều quan trọng mà Edberg không làm được: anh từng gặp nhiều đối thủ mà Federer sẽ chạm trán trong năm tới. Thành tích thắng – thua của Ljubicic khi đối đầu với Novak Djokovic, Rafael Nadal, Andy Murray và Stan Wawrinka là 11-21.Vai trò của Ljubicic hiện nay giống như Brad Gilbert với Andre Agassi. Khi được Agassi thuê vào năm 1994, Gilbert chưa chính thức gác vợt và ông đã hình dung cách đánh bại các tay vợt mà Agassi đối đầu sau này. Điểm khác biệt cơ bản là Federer có một bộ sậu gia đình và nhà tư vấn do huấn luyện viên Severin Luthi dẫn dắt nên Ljubicic sẽ phải rất vất vả để được lắng nghe. Trước đây, José Higueras và Paul Annacone từng có trải nghiệm không vui này. “Ivan biết phải làm gì. Nhưng mọi chuyện không phải chỉ có sự hiểu biết về quần vợt.Môi trường vây quanh Roger rất tuyệt vời nhưng cũng phức tạp”, Annacone lưu ý.
Federer dự kiến khởi đầu mùa giải 2016 tại Brisbane (Úc) từ 3-1, giải mà anh đã đạt con số 1.000 trận đấu hồi năm ngoái trên hành trình đoạt danh hiệu. Lịch thi đấu của Federer có những điều chỉnh, trong đó gây bất ngờ nhất là việc anh chỉ dự tranh một giải đất nện duy nhất: Roland Garros. Sau Brisbane, Federer sẽ dự tranh Australian Open, Rotterdam và Dubai. Nhưng sau Indian Wells, anh sẽ vắng mặt ở bốn giải Masters 1000 tiếp theo gồm Miami, Monte Carlo, Madrid và Rome. Tổng cộng Federer sẽ chỉ tham gia năm giải Masters 1000 gồm Indian Wells, Toronto, Cincinnati, Thượng Hải và Paris.Anh cũng sẽ có mặt tại Olympic Rio từ 8-8.
Về lối chơi, Federer tuyên bố duy trì kỹ năng bắt demi-vôlê sử dụng trong suốt mùa giải trên mặt sân cứng. Anh cũng sẽ tranh thủ khoảng thời gian không tham gia các giải để tập luyện hoàn chỉnh cú đánh “rắn tấn công” – tức đánh trả giao bóng ngắn và giảm tốc để lên lưới ghi điểm – mà không ít lần anh áp dụng thành công tại Cincinnati và US Open. “Tôi nghĩ cú đánh này khá thú vị và được truyền thông nhắc đến nhiều. Cá nhân tôi thật sự hứng thú”, anh nói.
Huỳnh Quang (DNSGCT)