So với sự kiện lãi suất USD tăng lên thì hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF đúng là “không cùng cân lượng”. Sự kiện liên quan đến lãi suất USD mang tính toàn cầu và đã được giới đầu tư chờ đợi, thấp thỏm, hồi hộp, suy đoán trong suốt thời gian dài, và cũng khiến cho thị trường giảm điểm trong suốt thời gian ấy. Trong khi đó, hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF thì mang tính định kỳ, ngày càng ít gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Ấy vậy mà trong tuần giao dịch (từ 14 đến 18-12) chịu ảnh hưởng của cả hai sự kiện trên, hoạt động tái cơ cấu của quỹ ETF lại có tác động đối với thị trường không kém gì việc FED tăng lãi suất đồng USD.
Cụ thể, phiên cuối tuần (18-12), thậm chí chỉ trong khoảng thời gian giao dịch ATC cuối phiên, hàng chục triệu cổ phiếu được xả đồng thời của khối ngoại đã khiến cho phía bên bán “ngập lụt” cổ phiếu, đa phần là các bluechip. Hệ quả là bên mua dù đã cố gắng hết sức vẫn không thể hấp thụ hết lượng cổ phiếu quá lớn này, khiến cho giá cả của nhiều cổ phiếu nhanh chóng giảm sâu. Hệ quả là chỉ trong một phiên giao dịch, những gì mà VN-Index đạt được nhờ “hiệu ứng FED” (tăng điểm ba phiên liên tiếp từ 15 đến 17-12) bị xóa đi gần hết, để rồi VN-Index kết thúc tuần chỉ tăng nhẹ 0,84%, dừng ở 568,18 điểm. Nhờ vào sự gia tăng đột biến của ngày quỹ ETF xả hàng mà khối lượng khớp lệnh trên sàn HSX tăng 27,2% so với tuần trước. Trong hoạt động bán ròng của khối ngoại tuần qua, đối tượng bán ra chính là các bluechip như BVH (148 tỉ đồng), DPM (136 tỉ đồng), VIC (131 tỉ đồng), BID (121 tỉ đồng), MSN (87 tỉ đồng)…
Diễn tiến bất thường của các quỹ ETF trong kỳ tái cơ cấu danh mục lần này như một sự cộng hưởng cho động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại trong gần hai tháng vừa qua. Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 12, khối ngoại đã bán ròng với giá trị lên tới gần 2.000 tỉ đồng. Đặc biệt hơn, xu thế của khối ngoại ngày càng khó nắm bắt. Kết thúc tuần (từ 7 đến 11-12) mà khối ngoại bán rất mạnh ngay trước cuộc họp quyết định lãi suất đồng USD của FED, người ta từng nghĩ rằng họ đã tất toán trạng thái và sẵn sàng cho việc giải ngân, nhưng không, họ vẫn tiếp tục bán ròng mạnh sau đó. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, không ai dám đưa ra dự báo về thời điểm khối ngoại sẽ mua ròng trở lại. Đúng là việc FED tăng lãi suất có thể tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và khả năng sẽ có dòng tiền đầu tư ngắn hạn đổ vào nhằm tận dụng giai đoạn đa phần cổ phiếu đang có mức giá rẻ, nhưng cũng cần nhớ rằng dòng tiền vào hay ra khỏi thị trường còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác. Có thể khối ngoại còn tiếp tục bán ròng cho đến khi nào tỷ giá VND/USD được điều chỉnh. Cũng có thể tỷ giá không phải là lý do, mà vì thị trường chứng khoán toàn cầu đang trong giai đoạn rủi ro cao, dòng vốn rẻ bị thu hẹp dần khiến cho xu hướng dòng tiền rút ròng khỏi các thị trường mới nổi chưa dừng lại.
Trong diễn biến chung, bên cạnh nguyên do về nền kinh tế Mỹ đang hồi phục và đồng USD tăng giá có tác động không nhỏ đến dòng vốn ngoại, rất có thể việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán nước ta nằm trong một quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư của họ nhằm rút vốn khỏi những cổ phiếu hay nhóm ngành kém tiềm năng, hoặc để phân bổ tài sản đầu tư vào một khu vực khác… Nếu là vậy, xu hướng bán ròng của khối ngoại hoàn toàn có thể tiếp tục, còn dòng vốn nội thì đang nỗ lực thay thế nhằm “bắt đáy” những cổ phiếu tốt đã và đang bị khối ngoại “xả” ra.
Ngọc Khang (DNSGCT)