Tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cùng với ô nhiễm không khí, nguồn nước và thực phẩm là nguyên nhân làm cho hàng chục ngàn người tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, không khí ô nhiễm là tác nhân có sức hủy diệt con người lớn nhất. Cảnh báo này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra vào cuối tháng 11-2015 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris (Pháp). Nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương được WHO xếp vào danh sách các nước dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trẻ em và phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất
Theo thống kê của WHO, trong năm 2012, thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do mắc những căn bệnh liên quan đến không khí bị ô nhiễm. Trong giai đoạn từ năm 2030 đến 2050, dự kiến sẽ có khoảng 25.000 người sẽ tử vong mỗi năm do các bệnh dịch như sốt rét, tả, suy dinh dưỡng…, những bệnh này phát sinh và bị làm trầm trọng thêm bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Trẻ em, phụ nữ và người nghèo ở những quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Gần 700 triệu trẻ em trên thế giới sống ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu đang phải gánh chịu tỷ lệ tử vong, nghèo đói và bệnh tật cao hơn so với những khu vực khác do những tác hại từ hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Y tế cũng khuyến cáo rằng tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân trong mười năm trở lại đây. Thống kê cho thấy diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm. Sự biến động của thời tiết có tác động rõ rệt đến sự gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh dịch truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và bệnh đường hô hấp.
Nghiên cứu về “Biến đổi khí hậu và bệnh tật: Từ cách nhìn địa cầu đến bối cảnh Việt Nam” của GS Phạm Huy Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển, cho thấy, thay đổi khí hậu không chỉ làm gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp, lao, mà còn khiến các bệnh khác trầm trọng thêm. Theo nhóm nghiên cứu, thời tiết cực đoan gia tăng dẫn đến nhiều nguy cơ đột biến đối với người nhiều tuổi, người già, người mắc bệnh tim mạch, người mắc bệnh thần kinh… Nhóm người già và trẻ em là hai nhóm xã hội dễ bị tổn thương khi thời tiết thay đổi do sức đề kháng kém. Còn nhóm phụ nữ, những người dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn đàn ông nên nguy cơ mắc các bệnh dễ lây truyền cũng lớn hơn nam giới.
Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho rằng biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế. Thông thường sau thiên tai, môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến. Ngoài ra, mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết…).
Vai trò nhà nước rất quan trọng
Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh rằng chống biến đổi khí hậu không chỉ có tác dụng bảo vệ ngôi nhà chung trái đất, mà còn giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của con người. Chúng ta có thể cứu sống khoảng gần 2,4 triệu sinh mạng mỗi năm nếu có thể giảm bớt 0,5oC nhiệt độ trên toàn cầu từ nay đến năm 2050. Trong đó, quan trọng nhất là việc giảm thiểu các chất gây ô nhiễm không khí như carbon và metan bằng việc cải tiến các tiêu chuẩn của xe cộ về tiêu thụ và khí thải. Các công ty, nhà máy cần đầu tư các dây chuyển sản xuất ít khí thải CO2, năng lượng sạch có thể tái sử dụng hay cải thiện bầu khí quyển cũng là đầu tư cho sức khỏe.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia tăng cường các biện pháp để giúp người dân có sức đề kháng tốt hơn trước những mối đe dọa của khí hậu như thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm những cơn bão từ đang xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn, các hệ thống bảo vệ nguồn nước, cải tiến các dịch vụ vệ sinh dịch tễ để đối phó với những trận lụt hoặc hạn hán.
Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO, vào cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế nhấn mạnh nhiệm vụ của quốc gia về Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về biến đổi khí hậu, với mục tiêu đến năm 2015 có trên 80% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước có hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Chính phủ Việt Nam cần có một hành động, chính sách cụ thể nhằm cải tạo, nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị và xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực cho ngành y tế. Các hoạt động sẽ tập trung vào việc xác định các khu vực dễ bịảnh hưởng do biến đổi khí hậu, hay thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về giám sát biến đổi khí hậu, trong đó có việc giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch, đặc biệt các bệnh tái xuất hiện và mới nổi. Tiến hành điều tra nghiên cứu, đánh giá thực trạng tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe người dân, các bệnh tật chính liên quan đến biến đổi khí hậu, các khu vực dễ bị tổn thương để có các giải pháp ứng phó kịp thời. Triển khai thử nghiệm, áp dụng, xây dựng các mô hình bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý dữ liệu về sức khỏe, mô hình bệnh tật liên quan đến biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở y tế.
Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng là cần phải thay đổi từ nhận thức của từng cá nhân trong cộng đồng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện các chính sách về biến đổi chưa đạt kết quả cao là do nhận thức về vấn đề này của cộng đồng còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức tới việc thay đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh. Thiết nghĩ, trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần dành nguồn ngân sách thích đáng để xây dựng các hệ thống thông tin về môi trường và kêu gọi sự tham gia của người dân vào các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để các chương trình quốc gia hiệu quả hơn.
- Song Phan