Không đợi đến khi Thông tư số 180/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UpCom) ra đời vào ngày 13-11 vừa qua (Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016), các nhà đầu tư đã dành sự chú ý nhiều hơn cho sàn giao dịch này. Từ chỗ không được mấy ai quan tâm, bởi tổng giá trị giao dịch chỉ vài ba tỉ đồng mỗi phiên, đến nay thanh khoản của sàn UpCom đã được cải thiện đáng kể, lên đến hàng chục tỉ đồng. Thậm chí có một giai đoạn, giá trị giao dịch trên sàn lên đến vài trăm tỉ đồng, tức là không kém quá nhiều so với HNX. Thậm chí, ngày
19-10-2015 ghi dấu lần đầu tiên giá trị trên giao dịch UpCom đạt tới 3.412,56 tỉ đồng, vượt qua giá trị giao dịch của cả “đàn anh” là HSX và HNX cộng lại! Dĩ nhiên, không thể lấy một ngày giao dịch cá biệt làm thước đo cho thanh khoản của UpCom, đơn giản vì sự tăng đột biến này chỉ đến từ một giao dịch thỏa thuận. Vào cuối phiên giao dịch đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) đã tiến hành giao dịch thỏa thuận mã NHN với giá trị lên tới 3.396 tỉ đồng – là giao dịch lớn nhất trong một phiên khớp lệnh kể từ khi chính thức triển khai hình thức khớp lệnh liên tục.
Dù ngay sau đó thanh khoản ở UpCom đã giảm xuống mức hàng chục tỉ đồng/phiên, nhưng cũng cho thấy sức hút của các cổ phiếu trên sàn là đáng kể. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, trong đó có các tổng công ty lớn, chọn niêm yết trên UpCom thay vì HSX hay HNX. Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 70 doanh nghiệp mới niêm yết trên UpCom với tổng giá trị đăng ký giao dịch hơn 1.550 tỉ đồng, nâng tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch trên UpCom đạt khoảng 45 ngàn tỉ đồng tính theo mệnh giá. Có thể kể một số doanh nghiệp mới niêm yết như Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, Công ty cổ phần Dược phẩm Cần Giờ, Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Đồng Tháp…, nâng tổng số công ty đăng ký giao dịch trên UpCom lên hơn 230 doanh nghiệp. Cũng từ đầu năm 2015 đến nay, HNX đã tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng cho khoảng 200 doanh nghiệp, trong đó có không ít doanh nghiệp chọn niêm yết trên UpCom trong thời gian tới.
Với những mặt hàng chất lượng được bổ sung, các nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn trên sàn này và quan niệm UpCom là nơi giao dịch của các mã chứng khoán kém chất lượng không còn đúng nữa. Nhiều doanh nghiệp chọn UpCom để niêm yết không phải vì không đáp ứng được những quy định niêm yết khắt khe hơn trên HSX và HNX, hay vì bị hủy niêm yết ở hai sàn trên nên buộc phải chọn UpCom, mà ở cách nhìn nhận “chặt, lỏng” trong công bố thông tin. Với những chính sách công bố thông tin hiện tại trên HSX và HNX thì chưa thành vấn đề, nhưng một khi mức độ công bố thông tin chi tiết hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn “chưa công khai nhiều” để yên ổn làm ăn. Biển to thì sóng lớn, với những doanh nghiệp không muốn giá trị cổ phiếu doanh nghiệp mình thay đổi quá nhanh (do nhà đầu tư mua – bán đẩy lên, hạ xuống), họ sẽ có xu hướng chọn UpCom. Đơn giản vì thanh khoản của UpCom đang ở mức thấp nên các cổ phiếu ít khi bị tăng giảm thất thường. Vậy nên, trước mắt, các cổ phiếu trên UpCom phù hợp hơn với những nhà đầu tư dài hạn, chấp nhận “chôn vốn” một thời gian dài. Bù lại, nếu lựa chọn đúng, nhà đầu tư sẽ mua được những cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, các chỉ số cơ bản tốt nhưng đang có giá rẻ hơn so với giá trị thực. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện trên UpCom có khoảng 10% mã cổ phiếu thuộc loại này.
Ngọc Khang (DNSGCT)