Thị trường chứng khoán khởi sắc trong những ngày vừa qua có công không nhỏ của “chất xúc tác” TPP. Nhưng cũng không thể bỏ qua sự góp sức của các nhà đầu tư nước ngoài, khi sự trở lại của họ đã kết hợp hoàn hảo với thông tin về tiến trình đàm phán TPP tốt đẹp để đem đến động lực mới cho chỉ số. Việc khối ngoại giao dịch tích cực trở lại không chỉ giúp VN-Index tăng điểm mà còn khiến tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn. Chỉ trong tuần giao dịch từ 5-10 đến 9-10, trên HSX, khối ngoại đã mua ròng gần 1.089 tỉ đồng (tuần trước đó, họ còn bán ròng với tổng trị giá 273,26 tỉ đồng). Điểm nhấn trong hoạt động mua ròng của khối ngoại chính là có một cổ phiếu (MBB) được họ mua ròng mạnh (gần 644 tỉ đồng), chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận. Có thể nói, chính việc MBB phát hành thêm cổ phiếu và mở room ngoại, cộng thêm hiệu ứng TPP đã tạo ra phiên mua ròng kỷ lục kể từ đầu năm của khối ngoại (ngày 8-10). Còn tính chung cả tuần, giao dịch của khối này tăng vài ba lần so với tuần trước đó, trên cả hai chiều mua và bán, tạo hiệu ứng lan tỏa kích thích dòng tiền đầu tư trong nước.
Từ câu chuyện MBB, có thể thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm cổ phiếu tốt để giải ngân và họ sẽ tham gia tích cực một khi thị trường có thêm nhiều cổ phiếu hợp khẩu vị. Theo số liệu thống kê, trên HSX, trong một năm qua, cán cân mua – bán của nhà đầu tư nước ngoài luôn giữ ở trạng thái khá cân bằng, khối lượng giao dịch hai chiều chiếm khoảng 10% tổng giao dịch toàn thị trường. Riêng quý III vừa qua, tỷ trọng này có giảm, khi nhà đầu tư nước ngoài mua vào 619 triệu chứng khoán (giá trị 17.893 tỉ đồng) và bán ra khoảng 631 triệu chứng khoán (trị giá 18.558 tỉ đồng). Khối lượng giao dịch như vậy chiếm khoảng 8% so với toàn thị trường trong quý và bán ra là khoảng 8,15%. Tuy nhiên, nếu xét theo giá trị giao dịch, tỷ lệ này vẫn cao, lần lượt tương ứng với 13% (mua vào) và 13,48% (bán ra) so với toàn thị trường. Với tổng giá trị giao dịch mỗi phiên chiếm khoảng 10 – 15% toàn thị trường như thế, trên lý thuyết họ khó thể chi phối được diễn biến giao dịch chung, nhưng thực tế tác động từ khối ngoại là rất đáng kể. Đó là do họ thường tập trung mua – bán khoảng vài chục cổ phiếu, tạo ra thanh khoản lớn với những cổ phiếu này (có thể chiếm hơn 50% giao dịch của cổ phiếu đó) và ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhà đầu tư ở mỗi đợt mua – bán ròng của họ. So với con số 350 mã chứng khoán niêm yết trên sàn HSX, với tổng khối lượng là 40,7 tỉ chứng khoán, trị giá gần 415.000 tỉ đồng (tính đến hết quý III-2015), có thể thấy số cổ phiếu được khối ngoại quan tâm còn khá ít. Chỉ khi số loại cổ phiếu mà khối ngoại mua – bán tăng lên, có thêm nhiều cổ phiếu như MBB lọt vào danh mục của họ, thì mức độ ảnh hưởng từ sự mua vào bán ra của họ đối với thị trường mới giảm bớt.
Vậy nên, người ta đang chờ đợi những mặt hàng mới lên sàn trong những ngày còn lại của năm 2015 sẽ hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài khó tính. Những ngày đầu tháng 10, HSX có hai đơn vị mới lên sàn là CTCP Phân bón Bình Điền và CTCP Nafoods. Quý cuối cùng của năm nay chính là mùa đấu giá cổ phần và lên sàn niêm yết của doanh nghiệp nhà nước. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang vào giai đoạn nước rút bởi nếu muốn hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay, mỗi ngày phải có khoảng hai doanh nghiệp được cổ phần hóa. Hy vọng điều đó sẽ giúp tăng chất cho thị trường chứng khoán, lôi kéo sự chú ý của khối ngoại, tạo thanh khoản tốt và giúp thị trường ngày càng phát triển.
Ngọc Khang (DNSGCT)