Tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn đang tăng nhanh đúng như dự báo, tính đến ngày 25-8 đã tăng đến 9,54% so với cuối năm 2014, theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước. Phải so sánh với con số 4,33% của cùng kỳ năm ngoái, mới thấy sự khác biệt ấy lớn như thế nào. Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cũng đã dự báo là trong bối cảnh lãi suất giữ ổn định như hiện nay, có khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ vượt mục tiêu (đã được điều chỉnh lên 15 – 17%) trong năm nay.
Với một nền kinh tế mà nguồn vốn đến từ ngân hàng góp phần quan trọng vào tăng trưởng như nước ta, nếu hấp thụ tốt dòng tiền này thì khả năng phục hồi là có, nên đó thật sự là một thông tin tích cực. Và nếu “đầu vào” của đồng vốn đối với ngành ngân hàng cũng theo kịp với diễn biến tích cực của “đầu ra”, nghĩa là tốc độ tăng trưởng của nghiệp vụ huy động tiền gửi cũng tăng tương ứng, thì có thể nói, mọi việc sẽ hanh thông, lãi suất của đầu vào lẫn đầu ra đều không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tốc độ của dòng tiền vào đang không theo kịp dòng tiền ra. Cụ thể, trong cùng thời gian, huy động tiền gửi mới tăng trưởng xấp xỉ 7,26%, thấp hơn mức 7,92% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự chênh lệch dù chưa nhiều nhưng cũng khiến các ngân hàng phải đối mặt với thách thức thanh khoản, một khi tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì từ nay đến cuối năm.
Để tăng tốc độ huy động vốn, lãi suất huy động phải đủ cao để hấp dẫn người gửi tiền. Hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc huy động chính là việc lạm phát đã duy trì ở mức thấp trong khoảng thời gian dài hơn dự kiến, khiến cho người gửi tiền được hưởng lãi suất thực dương. Trước lo ngại của thị trường rằng việc điều chỉnh tỷ giá có thể làm tăng lạm phát, mới đây Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đánh giá rằng hai lần điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2%, mức tăng không đáng kể. Do đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3%. Tuy nhiên, trở ngại lớn đối với công tác huy động vốn thời gian qua chính là việc đồng nội tệ bị mất giá so với USD và với việc cam kết duy trì tỷ giá như hiện nay, nguồn cung tiền đồng đương nhiên sẽ được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Việc này cũng tạo áp lực đối với lãi suất.
Muốn thu hút tiền đồng gửi tiết kiệm, trong bối cảnh lãi suất kỳ hạn ngắn của tiền đồng đang phải “đè” mức lãi suất tiền gửi USD (lãi suất huy động USD bị khống chế ở trần 0,75%/năm đối với khách hàng cá nhân, 0,25%/năm với khách hàng tổ chức) vì sự nhạy cảm đối với tỷ giá, mặt bằng lãi suất huy động tối thiểu phải duy trì ở mức như hiện nay, tăng lên thì càng tốt. Điều này cũng lý giải cho thực tế những ngày vừa qua lãi suất huy động tiền đồng có xu hướng tăng lên, dù không lớn, chỉ khoảng 0,1 – 0,3%/năm cho các kỳ hạn. Có thể xem đây là giải pháp trấn an của các ngân hàng thương mại dành cho người gửi tiền, để họ tiếp tục bỏ tiền vào ngân hàng như một kênh đầu tư an toàn trong thời điểm hiện nay. Trong dài hạn, mục tiêu của cả nền kinh tế dĩ nhiên là giảm lãi suất huy động, kéo theo giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp nhẹ bớt nỗi lo về giá vốn, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, duy trì được mức lãi suất như vậy đã là cố gắng không nhỏ. Quan trọng hơn, còn phải duy trì được cả tốc độ tăng trưởng tín dụng đồng thời với tốc độ huy động vốn. Một việc không dễ dành cho hệ thống ngân hàng.
Ngọc Khang (DNSGCT)