“Manchester United không mua sắm trong hoảng loạn”, đó là lời của HLV Van Gaal sau trận thua Swansea cuối tuần qua (30-8). Ông Van Gaal buộc phải nói vậy bởi với những CLB hàng đầu như M.U, chỉ cần thua trận trước một CLB ít tên tuổi, ngay lập tức báo chí sẽ đặt vấn đề về chất lượng của cầu thủ. Nếu trận thua ấy đến trong một giai đoạn nhạy cảm, khi thị trường chuyển nhượng sắp đóng cửa, thì ngay lập tức người ta đòi CLB phải đem về những ngôi sao mới. Vì lý do đó, ông Van Gaal phải trấn an: “Trận thua (Swansea) không ảnh hưởng đến kỳ chuyển nhượng của chúng tôi. Khi xem xét để mua một cầu thủ, bạn phải bỏ ra vài tháng. Đây không phải lúc phải hoảng loạn để rồi phải mua sắm bừa bãi”. Không cần dẫn chứng đâu xa, HLV Van Gaal đã mang tiếng “mua sắm bừa bãi” trong những ngày cuối mùa hè năm ngoái, với hai ngôi sao lớn Di Maria và Falcao đến với M.U trong những ngày cuối tháng 8-2014, sau khi CLB này trải qua một loạt trận bết bát đầu mùa. Để rồi cũng chỉ sau một năm, cả hai tên tuổi ấy khăn gói chuyển sang CLB khác (Di Maria sang Paris Saint Germain, còn Falcao sang Chelsea).
Vậy làm sao để không mua sắm trong hoảng loạn? Câu trả lời là các CLB phải lên kế hoạch chuyển nhượng từ sớm và hãy… chơi tốt trong tháng 8 – khi mùa giải mới đã diễn ra trong khi cơ hội mua sắm, chuyển nhượng cầu thủ vẫn còn (thị trường chuyển nhượng mùa hè của châu Âu kết thúc vào cuối ngày 31-8, riêng Premier League đóng cửa sau đó một ngày). Với những ngôi sao lớn, kế hoạch chuyển CLB thường được hai bên (cầu thủ và CLB mới) cân nhắc rất kỹ, thống nhất các điều khoản hợp đồng từ trước, chỉ công bố với báo chí khi mọi chuyện đã xong xuôi. Họ sẽ là trụ cột tại CLB mới, nên thường hợp đồng được xúc tiến từ đầu hè, để cầu thủ sau đó dễ dàng hòa nhập với CLB mới. Siêu sao Cristiano Ronaldo (từ M.U sang Real Madrid hè 2009), Neymar (từ Santos chuyển đến Barcelona hè 2013) hay Luis Suarez (từ Liverpool sang Barcelona hè 2014) là những dẫn chứng. Với một kế hoạch dài hạn dành cho ngôi sao mới, đa phần những bản hợp đồng này đều đem đến thành công. Cũng có những trường hợp ngôi sao và CLB mới đã “ưng ý” nhau từ lâu, nhưng vẫn đợi giờ chót để ký hợp đồng nhằm thương lượng được mức giá tốt nhất với CLB cũ. Đơn cử cho trường hợp này là bản hợp đồng kỷ lục thế giới 100 triệu euro khi Gareth Bale chuyển đến Real Madrid từ Tottenham trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng hè 2013. Dĩ nhiên cũng có CLB tìm được “hàng tốt” trong những phiên chợ cuối. Tuy nhiên, đa phần sự kết hợp vội vã cuối mùa chuyển nhượng không đem lại điều tốt đẹp. Hoặc CLB mua hớ với giá quá cao so với thực tế do bị đối tác ép, hoặc cầu thủ không phù hợp với lối chơi của CLB, hoặc là sự kết hợp của cả hai vấn đề này.
Những CLB hàng đầu của Tây Ban Nha như Barcelona hay hai CLB thành Madrid, rồi Bayern Munich (Đức) hay Paris Saint Germain (Pháp) đều có những khởi đầu mùa bóng mới thành công, vì vậy đã miễn nhiễm với những chuyện thị phi của kỳ chuyển nhượng. Còn Premier League, trong số các CLB hàng đầu, chỉ Manchester City là không bị “soi” chuyện chuyển nhượng. Không những thế, mỗi bản hợp đồng mới của họ còn được người ta trầm trồ, kiểu “phải như vậy mới được gia nhập Manchester City chứ”. Như cuối tuần qua, tiền vệ Kevin de Bruyne, 24 tuổi, tuyển thủ quốc gia Bỉ, chính thức gia nhập sân Etihad từ CLB Wolfsburg của Đức với giá chuyển nhượng lên đến 77 triệu euro mà vẫn không bị chê đắt. Nếu Kevin de Bruyne mà về với M.U, hẳn báo chí sẽ giật những cái tít kiểu “M.U hoảng hốt”, hay “Lại một Di Maria mới”… M.U, Arsenal, Liverpool, Chelsea đang nhìn Manchester City bằng ánh mắt ghen tỵ, nhưng cái gì cũng có lý do của nó. Sau bốn vòng đấu, trong khi Manchester City chễm chệ ngôi đầu với 12 điểm tuyệt đối thì M.U, Arsenal, Liverpool mới có bảy điểm, chia nhau các vị trí 5, 6, 7. Chelsea còn tệ hơn, xếp thứ 13 với chỉ bốn điểm. Vậy nên, nếu có bị xem là “mua sắm hoảng loạn”, bốn CLB này cũng chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Bây giờ, họ chỉ có thể mím môi “Đường dài mới biết ngựa hay”…
- Địch Vân