Đó chính là lời xin lỗi trong bức thư gửi người hâm mộ Manchester United (M.U) của ngôi sao người Argentina Angel Di Maria. Anh, cũng như nhiều người, không biết nói gì hơn ngoài lời xin lỗi và lý giải một cách “tuyệt vọng” như vậy.
Đến M.U trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa hè 2014, anh chính là ngôi sao sáng nhất, hợp đồng “bom tấn” của cả mùa chuyển nhượng. Với giá 59,7 triệu bảng, M.U đã đưa về một trong những thành viên góp công lớn nhất vào chức vô địch Champions League mùa bóng 2013-2014 (cùng với Real Madrid), á quân thế giới (cùng với đội tuyển Argentina). Đó cũng là mức giá kỷ lục mà M.U (và cả bóng đá Anh) từng bỏ ra để đem về một ngôi sao, vậy nên Di Maria phải gánh biết bao kỳ vọng của người hâm mộ sân Old Trafford. Về mặt hình ảnh, anh phải đem lại niềm hứng khởi cho các cổ động viên, lấp đầy các sân vận động nhờ vào thương hiệu của mình, giúp CLB bán được thật nhiều áo đấu có tên mình, cùng với đó là sức hút thương mại từ các hợp đồng tài trợ. Về chuyên môn, anh phải tỏa sáng mỗi tuần bằng những pha đi bóng sáng tạo, những đường chuyền cho đồng đội ghi bàn, đồng thời ghi những bàn thắng quyết định đem đến chiến thắng cho CLB… Anh đã phần nào làm được về mặt hình ảnh, đem lại “mặt mũi” và vị thế cho CLB nổi tiếng nhất nước Anh (đội bóng tên tuổi phải có những ngôi sao hàng đầu). Nhưng về mặt chuyên môn, anh đã thất bại. Sau những vòng đấu đầu tiên góp mặt trong đội hình chính, anh trở nên lạc lõng, chạy khắp sân mà chẳng biết mình đang làm gì, thường xuyên bị thay ra và cuối cùng là làm quen với băng ghế dự bị. Thi đấu 32 trận cho M.U, anh ghi được bốn bàn thắng, có 11 đường chuyền thành bàn… và hết. Quá ít ỏi so với kỳ vọng về một ngôi sao.
Thế rồi, 11 tháng rưỡi sau khi cập bến Old Trafford, tuần qua Di Maria đã chính thức nói lời chia tay M.U, chuyển tới thi đấu cho nhà đương kim vô địch nước Pháp Paris Saint-Germain với giá 44,3 triệu bảng. Trong bức thư gửi cổ động viên M.U, Di Maria thẳng thắn rằng mọi thứ đã không diễn ra như kỳ vọng và anh rất xin lỗi vì điều đó. Anh cam đoan rằng vấn đề không phải do anh thiếu nỗ lực: “Tôi đã cố hết sức mình, nhưng bóng đá không giống như toán học”.
Di Maria đã nói đúng, bóng đá không giống như toán học. Vậy nên không có gì đảm bảo rằng một cầu thủ có giá chuyển nhượng cao phải thi đấu hay hơn cầu thủ có giá chuyển nhượng thấp. Một CLB có tổng giá trị chuyển nhượng các cầu thủ cao hơn chưa chắc thắng được CLB có tổng trị giá cầu thủ kém vài lần. Fernando Toress rời Liverpool đến Chelsea với giá 50 triệu bảng (tháng 1-2011) nhưng có đóng góp thua xa Diego Costa (chỉ mất của Chelsea 32 triệu bảng vào mùa hè 2014). Cũng vì bóng đá không phải là toán học nên Di Maria thất bại tại M.U nhưng có thể thành công rực rỡ tại Paris Saint-Germain, như anh từng làm được tại Real Madrid và đội tuyển Argentina.
Nếu bóng đá giống như toán học, thì chưa thi đấu người ta đã đoán ra kết quả những trận mà lực lượng hai bên quá chênh lệch như Chelsea – Swansea City hay Arsenal – West Ham United tại vòng đấu đầu tiên Premier League cuối tuần qua. Trước mùa giải, nhiều bình luận viên, chuyên gia bóng đá đã cho rằng chức vô địch giải ngoại hạng Anh sẽ là cuộc đua song mã giữa Chelsea và Arsenal, hai CLB có đầy đủ “thiên thời, địa lời, nhân hòa” để lên ngôi. Vòng đấu đầu tiên, cả hai được đá trên sân nhà. Kết quả? Chelsea may mắn kiếm được một điểm với chỉ 10 cầu thủ trên sân sau khi tan cuộc. Arsenal còn tệ hơn, thất bại 0-2 ngay trên sân nhà trước West Ham United, CLB mà tổng giá trị chuyển nhượng của cả đội hình chưa bằng riêng hàng công của các Pháo thủ.
Vậy mới là bóng đá. Và đó cũng là nét đẹp của bóng đá. Không hề giống như toán học. Trước khi ra sân, hai đội gần như có cùng cơ hội chiến thắng, bất kể một đội có toàn những ngôi sao tên tuổi, còn đội kia gồm những cầu thủ còn vô danh.
- Địch Vân