Theo như phân tích về sự khác biệt giữa một nhà đầu tư chuyên nghiệp và một nhà đầu tư nghiệp dư, thì nhà đầu tư nghiệp dư thích thị trường (cổ phiếu) tăng điểm ào ào, còn nhà đầu tư chuyên nghiệp thích thị trường (cổ phiếu) tăng một cách chậm rãi. Mỗi quan điểm đều có cái lý riêng. Một bên thích “đánh nhanh thắng nhanh”, nên cổ phiếu tăng giá ào ào sẽ giúp cho tỷ lệ lợi nhuận của danh mục tăng nhanh chóng, thành quả được thấy rõ ràng. Còn quan điểm “chậm mà chắc” cho rằng cái gì cũng có cái giá của nó. Bạo phát bạo tàn, một cổ phiếu mà tăng “trần” liên tục khi thị trường hào hứng, nhanh chóng tăng giá trị lên 20%, 30%, 40%… mà không dựa trên nền tảng căn bản gì thì cũng sẽ sớm lao dốc, giảm sàn nhiều phiên khi thị trường đi xuống. Chỉ số chung cũng vậy, nếu lên quá mạnh thì cũng sẽ xuống nhanh. Trong vòng nửa tháng (từ 1-7), VN-Index tăng mạnh từ vùng 590 điểm lên tiệm cận ngưỡng 640 điểm, thì cũng chỉ hai tuần (từ 27-7) VN-Index đã đánh mất toàn bộ thành quả trước đó, quay về kiểm tra mốc 600 điểm. Nếu như những cột trụ giúp VN-Index vượt đỉnh là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm ngân hàng, đứng đầu là VCB, thì tác nhân chính dẫn đến sự giảm điểm của thị trường hai tuần qua không chỉ vì nhóm ngân hàng mà còn vì thông tin tiêu cực đến từ tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong tuần mà thông tin tiêu cực từ kết quả đàm phán TPP ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường (từ 4 đến 8-8), các chỉ số đã lao dốc. Niềm kỳ vọng mang tên TPP biến thành nỗi thất vọng, khiến các cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi nhất từ hiệp định này như thủy sản, may mặc… đồng loạt giảm điểm. Sắc đỏ nhanh chóng lan rộng ra toàn thị trường khiến các cổ phiếu vốn hóa lớn đều đi xuống. Áp lực bán ra được duy trì trong cả tuần, cho dù mốc tâm lý 600 điểm của VN-Index đã hỗ trợ thị trường không giảm quá mạnh. Thông tin tích cực về đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam – EU đã hoàn tất cũng phần nào hỗ trợ tâm lý thị trường, giúp VN-Index có những phiên xanh điểm nhẹ và dao động quanh mốc 600. Như vậy, VN-Index đã giảm 2,8% giá trị trong tuần đầu tháng 8, lùi về 603,76 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,47%, chỉ còn 83,88 điểm. Điểm khác biệt của đợt giảm điểm lần này là không có sự bán tháo xảy ra. Thay vào đó là một tâm lý khá thận trọng của người bán. Họ không muốn bán ra ở vùng giá thấp, điều này khiến cho thanh khoản của thị trường sụt giảm mạnh.
Như từng diễn ra nhiều lần, khi thị trường suy giảm, khối ngoại thường mua ròng. Lần này cũng vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 270,4 tỉ đồng trên cả hai sàn tuần qua. Dù vậy, việc khối ngoại không mua ròng ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt khiến cho tầm ảnh hưởng của động thái này là không đáng kể. Tính trong cả tháng 7, khối ngoại mua ròng hơn 768 tỉ đồng và sau bảy tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 4.600 tỉ đồng. Tác động của khối ngoại đến thị trường giai đoạn vừa qua là rất quan trọng và vai trò của họ sẽ còn quan trọng hơn nữa trong thời gian tới.
Ngày 13-8 này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức một buổi hội thảo để cung cấp cho các thành viên thị trường, doanh nghiệp, tổ chức phát hành biết các quy định cụ thể hơn Nghị định 60 về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Thông tin này được kỳ vọng sẽ giúp tâm lý thị trường ổn định hơn, tích lũy để chờ những thông tin tích cực trong thời gian tới. Dù sao thì quyết định nới room cho khối ngoại cũng đang phát huy tác dụng khi số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy số tài khoản mới của các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong tháng 7, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức. Cụ thể, có 40 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới tại nước ta trong tháng 7, mức cao nhất kể từ đầu năm 2010. Con số này chiếm tới 29% tổng số mã giao dịch chứng khoán được cấp cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trong bảy tháng đầu năm nay. Như vậy, bảy tháng đầu năm nay, thị trường đã có thêm 140 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mới và 358 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Tính chung, đến nay đã có hơn 18 ngàn nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán, trong đó có gần 3 ngàn nhà đầu tư tổ chức. Số nhà đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng sau khi tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều ngành nghề được nâng lên từ tháng 9 tới.
Màu xanh đã trở lại với thị trường trong tuần mới. Phiên giao dịch đầu tuần (10-8), VN-Index tăng 10,77 điểm, lên 614,53 điểm. Với 130 mã tăng giá, chỉ 87 mã giảm giá, có vẻ như những ngày sóng gió đã tạm qua. Dù vậy, thanh khoản ở mức thấp (1.858,91 tỉ đồng) cho thấy dòng tiền vẫn còn ngập ngừng, tâm lý thận trọng chiếm ưu thế, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi xu hướng cụ thể hơn.
Thành Huân (DNSGCT)