Đã có những phân tích cho thấy vấn đề thanh khoản tại các ngân hàng thương mại vẫn đang trong tầm kiểm soát. Giai đoạn khó khăn nhất của ngành ngân hàng với những nỗi lo về nợ xấu, căng thẳng thanh khoản, chạy đua lãi suất, hàng loạt ngân hàng nhỏ phải giải thể, sáp nhập… đã trôi qua. Không những vậy, hoạt động tín dụng còn đang bứt tốc, với mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Dự tính tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt trên 18%, bỏ khá xa kế hoạch (13 – 15%) mà Ngân hàng Nhà nước dự tính hồi đầu năm. Con số dự báo này được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước “nới room” cho 18 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới đây.
Vấn đề đáng quan tâm là nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thời gian gần đây có xu hướng đổ dồn vào lĩnh vực xây dựng, hạ tầng, với các khoản cho vay lớn và thời hạn khá dài. Tỷ trọng dư nợ cho lĩnh vực công nghiệp và xây dựng ngày càng cao, trên 50%, vượt trội những lĩnh vực ưu tiên khác. Cho các doanh nghiệp sản xuất vay các khoản vay trung và dài hạn dĩ nhiên là điều đáng mừng, nhưng nếu tỷ trọng này không tương xứng với tỷ trọng vốn huy động cùng kỳ hạn thì rủi ro thanh khoản sẽ hiển hiện. Những năm trước, khi tín dụng tăng trưởng lên đến 30 – 40%/năm, tỷ lệ cho vay trung, dài hạn cũng không chiếm tỷ lệ áp đảo như hiện nay mà các chuyên gia đã cảnh báo về những rủi ro của nền kinh tế khi quá dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Sự đóng băng của thị trường bất động sản cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước khiến cho các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ trọng cho vay trung, dài hạn, tìm kiếm doanh thu bằng những khoản cho vay với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay tiêu dùng, mở rộng phân phối các sản phẩm, dịch vụ tài chính… Nay, cho vay dài hạn bỗng tăng trở lại và còn tăng mạnh so với trước.
Hiện nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn khá tốt. Vốn huy động trên địa bàn TP.HCM tính đến đầu tháng 7 tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2014. Con số này trên địa bàn Hà Nội là 9,8%. Với tốc độ tăng trưởng về huy động vốn như vậy, cộng với lượng vốn huy động có sẵn từ trước, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung khá tốt. Tuy nhiên, điều đáng nói là tỷ trọng vốn huy động trung và dài hạn của các ngân hàng vẫn rất thấp, chỉ dưới 20%, trong khi đây là nguồn chủ yếu để các ngân hàng dùng cho vay trung, dài hạn. Khi lãi suất có xu hướng giảm, tỷ lệ người gửi tiền các kỳ hạn dài sẽ tăng lên, nhưng một khi lãi suất cao quay lại, người dân sẽ chỉ gửi tiền ở các kỳ hạn ngắn. Đến lúc ấy, những khoản cho vay hạ tầng, xây dựng, mua nhà… có thời hạn lên đến hàng chục năm sẽ là gánh nặng, khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro thanh khoản.
Phải chăng chính sức ép đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% trước ngày 1-10-2015 khiến cho nhiều ngân hàng chọn cách tăng cung tín dụng để giảm tỷ lệ này? Đơn giản, khi tổng dư nợ tăng lên, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống dù cho con số tuyệt đối về nợ xấu vẫn giữ nguyên. Nếu đúng như vậy, bài toán cân đối giữa tỷ lệ nợ xấu với rủi ro cho vay dài hạn, cân đối nguồn vốn dài hạn sao cho giữ tỷ lệ an toàn… phải được các ngân hàng cân nhắc kỹ. Một khi thanh khoản trở thành nỗi lo, các khoản tiền gửi ngắn hạn bị người gửi rút khỏi ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với một vấn đề cũ – thanh khoản. Những yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn đó và khi tình thế xoay chuyển rất nhanh, một vòng lẩn quẩn sẽ diễn ra: nợ xấu, thanh khoản, lãi suất cao…, những điều từng đem đến sự trì trệ cho hệ thống ngân hàng trong suốt một thời gian dài.
Ngọc Khang (DNSGCT)