Tại hội thảo “Sức khỏe và an toàn thực phẩm 2015” được tổ chức hồi đầu tháng 7 vừa qua, các chuyên gia đã nêu hướng dẫn cần thiết về việc sử dụng dầu ăn đúng cách.
Theo đó, khi chiên, nên chỉnh nhiệt độ vừa phải để thực phẩm chín sâu hơn và không bị cháy. Nếu để nhiệt độ cao hơn điểm bốc khói của dầu thì dầu sẽ bị cháy và bốc khói, sản ra những chất không có lợi cho sức khỏe. Dầu ăn sau khi dùng để chiên thì không nên tái sử dụng vì sau khi nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, trong dầu sản ra trans fat – một loại axit béo có hại cho sức khỏe, đồng thời các vitamin có trong dầu cũng bị phá hủy, làm giảm hẳn giá trị dinh dưỡng của dầu. Chưa nói cặn thực phẩm bị cháy trong quá trình chiên còn đọng lại trong dầu cũng là một tác nhân gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Sử dụng dầu ăn ở dạng ăn sống như trộn salad hoặc cho vào món xào trước khi nhắc ra khỏi bếp sẽ giúp phát huy tác dụng của các axit béo không no.
Mỗi loại dầu ăn có một khả năng chịu đựng nhiệt độ lạnh khác nhau, hay “điểm đông” khác nhau. Để tránh hiện tượng dầu đông, nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, cách xa nguồn nhiệt và ánh sáng, nhiệt độ khoảng 25 độ C. Khi dầu bị đông, chỉ cần ngâm chai dầu vào nước ấm, dầu sẽ quay lại trạng thái lỏng và có thể sử dụng như bình thường. Không nên bảo quản dầu ăn trong lọ bằng kim loại vì chúng thường làm cho dầu bị hỏng. Đối với người cao tuổi, cần giảm tỷ lệ mỡ động vật trong khẩu phần và nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu ôliu… để bảo vệ sức khỏe.