Thị trường chứng khoán nước ta, mà biểu hiện là chỉ số VN-Index, đang di chuyển lên theo đường zic zắc với những nhịp tăng, giảm điểm xen kẽ. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn tiếp tục hồi phục, GDP sáu tháng đầu năm ước tăng 6,11% so với cùng kỳ, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,6% nhờ tăng trưởng mạnh ở tất cả các lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng tăng 9,76% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng trong năm ngoái chỉ đạt 5,7%. Việc chỉ số IIP liên tục cải thiện là một tín hiệu lạc quan, cho thấy ngành sản xuất trong nước đang hồi phục, sẵn sàng đón đầu cơ hội đồng thời đối mặt với những thách thức mà các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ ký kết mang lại. Một trong số đó là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những diễn biến tích cực được cập nhật thường xuyên, nhất là khi Thượng viện Mỹ mới đây chính thức trao quyền thúc đẩy thương mại (TPA) hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh trong các thỏa thuận thương mại ở châu Á – Thái Bình Dương cho Tổng thống Barack Obama, qua đó giúp nước này có thể hoàn tất quá trình đàm phán TPP.
Dù vậy, tuần từ 22 đến 26-6, trước áp lực chốt lời của nhiều nhà đầu tư đã mua được những cổ phiếu giá rẻ trước đó, VN-Index và cả HNX đã trải qua một giai đoạn điều chỉnh. VN-Index đã có bốn phiên giảm điểm liên tiếp, lùi về mốc 581,75 điểm, giảm 2,95 điểm (0,5%). HNX-Index còn giảm sâu hơn, với cả năm phiên giảm điểm, mất 1,58 điểm (1,81%), dừng ở 85,52 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn cũng giảm, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE giảm 0,9%, còn trên sàn HNX khối lượng khớp lệnh giảm mạnh hơn 19,3% so với tuần trước. Sức ép bán ra ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí và các cổ phiếu bluechip đã ảnh hưởng không nhỏ lên tâm lý giới đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài thì vẫn tiếp tục mua ròng và đây đã là tuần mua ròng thứ sáu liên tiếp của họ. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của khối ngoại lên thị trường là không nhiều khi hoạt động mua – bán của họở nhóm cổ phiếu bluechip là khá cân bằng. Trên HoSE, khối ngoại đã mua ròng 36 tỉ đồng, còn trên HNX họ mua ròng 50,6 tỉ đồng, tập trung mạnh vào phiên giao dịch cuối tuần.
Phiên cuối tuần (26-6), đón nhận thông tin Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 60/2015 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012 liên quan tới việc mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường đã giao dịch khá hào hứng, đặc biệt là với các cổ phiếu ngành chứng khoán và các cổ phiếu kín room như FPT, VNM, REE, DHG, TCM, VSC… Dù vậy, trước sự thận trọng đang duy trì ở mức cao, “tin ra là bán”, sự hào hứng này cũng không kéo dài, thị trường nhanh chóng giảm điểm trở lại. Nghị định 58 này quy định các công ty đại chúng hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty, nhưng tối đa không quá tỷ lệ sở hữu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Chẳng hạn như ngân hàng, thì room hiện vẫn không quá 30%. Mở room (có thể lên đến 100%) được xem là bước đột phá lớn trong thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài và sẽ là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư tổ chức giải ngân. Hoạt động M&A (mua bán, thâu tóm, sáp nhập, hợp nhất) trên sàn sẽ gia tăng mạnh vì từ nay nước ngoài có thể mua toàn bộ một công ty niêm yết. Tuy nhiên, các công ty niêm yết còn phải tiến hành đại hội cổ đông, hoặc tiến hành xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, sửa đổi điều lệ công ty cho phù hợp với room mới nếu cần thiết. Với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khá chậm chạp thời gian qua khiến thị trường chứng khoán không có thêm nhiều hàng hóa chất lượng, việc nới room là một trong những giải pháp giúp tạo thanh khoản tốt hơn cho thị trường.
Dòng tiền chững lại do hoạt động luân chuyển các dòng cổ phiếu và thanh khoản giảm theo cũng là điều dễ hiểu sau một quá trình tăng điểm kéo dài. Ngoài ra, giai đoạn tháng 6 và đầu tháng 7 cũng là lúc thị trường giao dịch trầm lắng do rơi vào thời gian chờ đợi công bố kết quả kinh doanh quý II. Dòng tiền không dồi dào nên sẽ chỉ tập trung vào những nhóm cổ phiếu đang có thế mạnh như chứng khoán, ngân hàng, dầu khí và các cổ phiếu kín room. Điều đó đã thể hiện ngay trong phiên giao dịch 29-6. Dù chỉ 107 mã tăng giá trong khi có đến 116 mã giảm giá, VN-Index vẫn tăng 10 điểm, lên mức 591,75 điểm, do các mã tăng giá đóng vai trò trụ cột và tăng khá mạnh. Thanh khoản thị trường ở mức 2.189,395 tỉ đồng. Xu thế tăng vẫn giữ vai trò chủ đạo, dù tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là tương đối khó khăn.
Thành Huân (DNSGCT)