Hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nước ta bắt đầu từ đầu 2012 và đến nay vẫn đang được tiến hành khá quyết liệt. Ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém bị buộc phải sáp nhập, chuyển quyền sở hữu. Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao buộc phải bán một phần nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, phải tuân thủ trích lập dự phòng rủi ro. Những quy định tín dụng được siết chặt… Nhờ vậy, nhiều ngân hàng thương mại bước đầu đã tái cơ cấu thành công, giảm tỷ lệ nợ xấu, hoạt động cho vay với doanh nghiệp được mở rộng, giảm lãi suất về mức hợp lý…
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước thể hiện quyết tâm dứt điểm tình trạng sở hữu cổ phần ngân hàng vượt mức và nạn sở hữu chéo, tức là việc một ngân hàng sở hữu cổ phần các ngân hàng khác vượt quy định cho phép. Thông tư 06/2015/TT-NHNN vừa được ban hành đầu tháng 6, có hiệu lực vào ngày 15-7 tới chính là một trong những bước đi mạnh mẽ của nhà điều hành nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo không rõ ràng và một phần làm trong sạch hệ thống tín dụng. Bởi lâu nay, nguồn tiền giúp các tổ chức thực hiện việc sở hữu ấy một phần đến từ nguồn vay dài hạn của các ngân hàng.
Để thực hiện được điều này, nhà điều hành yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp với cổ đông và nhóm cổ đông lập kế hoạch khắc phục tình trạng sở hữu vượt trần, chậm nhất ngày 31-12-2015 phải đưa tỷ lệ sở hữu về mức cho phép theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Cổ đông, nhóm cổ đông phải kê khai rõ về thông tin cổ phần đang sở hữu vượt mức cho phép và phải đưa ra biện pháp khắc phục. Nếu đến thời điểm cuối năm nay (31-12-2015) mà các cổ đông, nhóm cổ đông và tổ chức tín dụng không thực hiện được việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt. Theo đó, họ sẽ không còn được tiếp tục giữ vị trí tổng giám đốc hoặc thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát của ngân hàng, cũng như không được chấp thuận đề cử vào các chức danh trên. Điều này có nghĩa rằng nếu không nhanh chóng giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt trần, nhiều lãnh đạo ngân hàng có nguy cơ rời khỏi chức vụ vào năm 2016. Ngoài ra, khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, các ngân hàng cũng không được phép cho vay hoặc cho vay mới (nếu trước đó đã cho vay) với các cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu vượt trần.
Thông tư 06 chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cá nhân và ngân hàng, bởi thực tế còn khá nhiều cá nhân và tổ chức có tỷ lệ cổ phần sở hữu cao hơn giới hạn cho phép kể trên. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong số 33 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, có năm ngân hàng có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ, năm ngân hàng là tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ, tám ngân hàng có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.
Giới chuyên gia hy vọng Thông tư 06 sẽ góp phần giảm tình trạng thao túng ngân hàng của cổ đông lớn, qua đó giúp hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính tiến tới ổn định và phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, việc giám sát cần phải được đề cao nhằm đảm bảo việc làm này là đúng thực chất. Bởi nếu các cổ đông lớn bán số cổ phần vượt quy định cho người quen chứ không bán khớp lệnh trên sàn (đối với cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết) hoặc chuyển nhượng trên sàn OTC thì mọi chuyện sẽ không có gì thay đổi. Những người này sau đó vẫn âm thầm kiểm soát và có thể kiểm soát hoạt động của một ngân hàng thương mại.
Minh Hằng (DNSGCT)