Từ ngày 29.4 – 3.5, Hội thi Hợp xướng Quốc tế Việt Nam lần thứ IV (4th Vietnam International Choir Competition) đã được tổ chức tại Hội An (Quảng Nam). Những con đường phố cổ mùa lễ lại càng đông đúc vì sự tập trung của 40 đoàn hợp xướng với hơn 1.400 ca viên đến từ 15 quốc gia trên khắp thế giới như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đức, Phần Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Trung Quốc…Việt Nam có 4 đại diện tham dự cuộc thi là Hợp xướng Thiếu nhi Hội An, Hợp xướng Vinschool One (Hà Nội), Hợp xướng Học viện Âm nhạc Huế và Hợp xướng Phương Nam của Trường Nhạc nhẹ MPU (Tp.HCM).
Đến hẹn lại lên
Hội thi Hợp xướng Quốc tế Việt Nam là một sự kiện thường niên được tổ chức bởi Interkultur (Đức). Được thành lập từ năm 1988, Interkultur là cái tên đứng đằng sau nhiều hội thi hợp xướng uy tín trên thế giới như Hội thi Hợp xướng Thế giới (World Choir Games), Hội thi Hợp xướng Châu Âu (European Choir Games), Grand Prix of Nations…Và bắt đầu từ năm 2011, Hội thi Hợp xướng Quốc tế Việt Nam đã trở thành một trong những cuộc thi thu hút nhiều người tham dự nhất của Interkultur.
Các đội đến tham dự Hội thi Hợp xướng Việt Nam đã lần lượt tranh tài trong 6 bảng thi khác nhau phân chia theo lứa tuổi, thành phần đội hợp xướng và dòng nhạc. Đội chiến thắng trong các bảng thi tiếp tục tranh tài trong vòng chung kết để chọn ra một đội giành Giải thưởng Lớn Grand Prize. Năm nay, Giải thưởng Lớn đã thuộc về Hợp xướng PSM Unpar Tabela Harati đến từ Indonesia. Lựa chọn cho mình một bài diễn mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống Indonesia trong vòng chung kết, cộng với sự đầu tư nghiêm túc về mặt trang phục, dàn dựng và vũ đạo, chiến thắng của PSM Unpar Tabela Harati được đánh giá là một cái kết đẹp cho Hội thi Hợp xướng Quốc tế Việt Nam lần thứ IV.
Bốn đội hợp xướng đến từ Việt Nam cũng đã đạt được những thành tích tốt trong các bảng thi mà mình tham dự. Trong bảng Dân ca, Hợp xướng Thiếu nhi Hội An và Hợp xướng Vinschool One đã lần lượt đạt được Chứng chỉ Bạc (Silver Diploma) và Chứng chỉ Vàng (Golden Diploma). Hợp xướng Học viện Âm nhạc Huế đạt được Chứng chỉ Vàng và vị trí nhất bảng B1 (dòng nhạc tự chọn). Hợp xướng Phương Nam của Trường Nhạc nhẹ MPU đạt được Chứng chỉ Vàng và xếp thứ 2 trong bảng C2- Nhạc Thính phòng.
Hợp xướng – Môn nghệ thuật của cộng đồng?
Nghệ thuật hợp xướng khởi nguồn là một loại hình âm nhạc được trình diễn trong nhà thờ từ thời Trung Cổ. Từ đó cho đến nay, dòng chảy của nghệ thuật hợp xướng đã nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi phạm vi của những mái vòm nhà thờ, hợp lưu với nhiều dòng nhạc đa dạng và khoác lên mình nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Nhờ vậy mà hợp xướng vẫn luôn là một trong những loại hình nghệ thuật có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới. Và điều này cũng phần nào được thể hiện qua sự đa dạng của các bảng thi và chương trình trong Hội thi Hợp xướng Quốc tế Việt Nam 2015. Các tác phẩm được trình diễn có nhiều độ khó, thuộc nhiều dòng nhạc đa dạng như Thánh ca, Dân ca, Âm nhạc Đương đại và thậm chí là cả Pop…Ngoài Cửa Đại Beach Resort – sân khấu chính thức của cuộc thi, các đội hợp xướng còn được biểu diễn tại các sân khấu ngoài trời rải rác khắp khu vực Phố cổ. Không cần sân khấu cầu kỳ hay ca sỹ ngôi sao, những điểm biểu diễn này vẫn thu hút người dân địa phương và khách du lịch nhờ vào sự ấm áp, gần gũi mà ít loại hình nghệ thuật nào khác có được.
Sự góp mặt của 40 đoàn hợp xướng từ 15 quốc gia khác nhau trong Hội thi lần này cũng phần nào giúp khắc họa sự phát triển và đời sống của nghệ thuật hợp xướng trên khắp thế giới. Có lẽ cũng một phần do địa điểm tổ chức mà đa phần các đoàn mạnh trong cuộc thi lần này đều đến từ các quốc gia châu Á như Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Indonesia và Philippines…Đặc biệt là hai quốc gia Indonesia và Philippines có số lượng đoàn hợp xướng và ca viên tham dự áp đảo so với nhiều quốc gia còn lại. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật hợp xướng trong khu vực, cũng đồng thời tạo một áp lực cho các đoàn hợp xướng Việt Nam, đặc biệt với cương vị là nước chủ nhà.
Có thể thấy, các đoàn hợp xướng Việt Nam tuy có chất lượng khá tốt và đồng đều nhưng quy mô tổ chức và đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng thay vì nhìn vào những điểm hạn chế, cuộc thi lần này cũng đã cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng. Tại Việt Nam, đa phần các ca đoàn có hoạt động ổn định đều nằm dưới sự bảo trợ của các nhà thờ, hoặc là các đoàn hợp xướng chuyên nghiệp trực thuộc các nhà hát. Trong khi đó, 3 trong số 4 đoàn hợp xướng Việt Nam tham dự hội thi lần này đều là những đoàn hợp xướng không chuyên. Sau 3 lần cuộc thi được tổ chức, đây cũng là lần đầu tiên có một đoàn hợp xướng đại diện cho miền Nam tham dự cuộc thi, tranh tài trong Bảng thi Nhạc Thính phòng – Bảng có yêu cầu về chuyên môn và tác phẩm dự thi gắt gao nhất. Và người dẫn dắt Hợp xướng Phương Nam của Trường Nhạc nhẹ MPU không ai khác chính là nhạc trưởng Trần Nhật Minh – Trưởng đoàn Nhạc Kịch – Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Tp.HCM: “Có thể nói trong dự án kéo dài gần 6 tháng này, sự nỗ lực của tập thể MPU là rất lớn. Về mặt chuyên môn, hợp xướng là một môn nghệ thuật đòi hỏi sự nỗ lực của từng thành viên trong hợp xướng. Đằng sau sự hoàn thành 4 tác phẩm dự thi là rất nhiều buổi tập của các thành viên. Hát một mình đã khó, hát trong một tập thể cần sự hòa hợp trong từng hơi thở lại còn khó hơn.”
“Phát triển phong trào hợp xướng sâu rộng trong cộng đồng tại Việt Nam là một thử thách khó khăn nhưng không phải là không thực hiện được. Ngay chính các nước láng giềng lại là những cường quốc về hợp xướng trên thế giới, thể hiện qua việc Indonesia và Philippines trong suốt 4 năm nay thay phiên nhau đoạt Giải thướng Lớn của cuộc thi này. Nhìn vào đó, chúng ta hãy tin rằng mình sẽ làm được. Tuy nhiên, một trong những thử thách đầu tiên là việc khan hiếm tác phẩm. Muốn phổ biến hợp xướng trong cộng đồng, thì trước hết phải có nhiều tác phẩm hợp xướng viết bằng chính tiếng Việt. Đây cũng là một trong những khó khăn đầu tiên mà Hợp xướng Phương Nam gặp phải khi yêu cầu chọn bài bắt buộc phải có một tác phẩm viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Cuối cùng, hợp xướng Phương Nam đã nhận được sự giúp đỡ từ nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, anh đã chắp bút viết riêng cho Hợp xướng Phương Nam một tác phẩm dựa trên một ca khúc của anh mang tên Ru Con.”
“Và cuối cùng, để có thể đưa được hợp xướng – môn nghệ thuật của cộng đồng về với cộng đồng, cần phải có nhiều sự giúp đỡ. Vì hợp xướng càng đông thì chi phí duy trì và tổ chức hoạt động lại càng cao. Có thể nói, trường Nhạc nhẹ MPU đã làm một việc dũng cảm khi tham gia vào một sân chơi mà không tính toán được mất. Trong bối cảnh nghệ thuật hợp xướng tại Việt Nam, dù đã từng có những thời kỳ vàng son nhưng nay đang ngày càng bị mai một, việc gầy dựng, chuẩn bị chỉn chu cho một đội hợp xướng trên 20 ca viên tham dự vào một sân chơi dài ngày chỉ thể hiện duy nhất sự yêu mến và thành ý dành cho nghệ thuật hợp xướng nói chung, và sự phát triển của nghệ thuật hợp xướng tại Việt Nam nói riêng,” nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ thêm.
Nhật Hà, hình Việt Linh (DNSGCT)