Sau nhiều tháng bất bình với tình trạng kinh tế đi xuống do tác động của giá dầu giảm, người làm công tại nhiều nơi ở Nga đang đình công, đòi được trả lương.
Tại một công trường tại một vùng hẻo lánh thuộc Siberia, công nhân sơn những dòng chữ lớn trên mái nhà tập thể: “Ông Putin thân mến, bốn tháng rồi chưa có lương”.
Tại vùng Viễn Đông, giáo viên đang đình công. Tại St. Petersburg công nhân ngành ôtô cũng ngừng làm việc.
Các vụ biểu tình và đình công phần lớn là tự phát, bởi ở nước Nga hiện nay giới công nhân chưa có vai trò là một lực lượng chính trị hay kinh tế mạnh.
Các doanh nghiệp Nga thường không sa thải nhân công khi có khó khăn kinh tế để tránh phải trả tiền bồi thường và cũng để tránh làm mất lòng giới quan chức địa phương, những người không muốn thấy tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực mình quản lý tăng lên.
Với hiện trạng nền kinh tế được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay và năm tới, nhiều công ty không trả lương cho công nhân hoặc cho họ nghỉ phép dài ngày.
Hiện các doanh nghiệp tại Nga đang nợ người lao động số tiền lương khoảng 56 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chưa bao gồm phần tiền lương bị các công ty cắt giảm.
Lòng tự hào dân tộc sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraina và những lời tuyên truyền trên truyền hình về việc người dân cần chấp nhận một số khó khăn vì lợi ích của nước Nga đã giúp kiểm soát sự bất bình của người lao động với tình trạng không được trả lương hoặc bị giảm lương trong một thời gian.
Theo Kinh tế trưởng Vladimir Tikhomirov, đình công hiện chủ yếu diễn ra ở các vùng ven đô thị lớn, nơi mà chính phủ Nga hầu như không có cách nào khắc phục khó khăn của người lao động chừng nào suy giảm kinh tế vẫn tiếp tục.
Những người làm việc trong bộ máy nhà nước như giáo viên hay công nhân bưu điện thuộc nhóm chịu tác động mạnh của tình trạng kinh tế hiện nay của Nga, bởi chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ khiến lương của họ bị cắt giảm.
N. Nam (DNSGCT)