Bà cụ luôn tay phe phẩy chiếc quạt giấy rách hai đầu, mắt hấp háy nhìn bạn thiêm thiếp mỏng dính trên chiếu. May là trời chưa nóng lắm, thỉnh thoảng lại có cơn mưa trái mùa vì thời tiết thay đổi bất thường, chớ giờ này mọi năm đã nắng chát.
Vậy mà hôm nay mái tôn thấp cũng gom hết mặt trời suốt ngày rồi phả lên thân thể hầm hập sốt từ bữa kia. Bà cụ thấm khăn nước lạnh đắp trán bạn nhiều lần mà cơn sốt vẫn chưa chịu thua, nó ngằn ngặt đến rồi quầy quả bỏ đi, bà cụ vội mừng thì nó trở lại như trêu chọc lòng tận tụy của bà. Bây giờ nó vẫn còn đó ám vào thân thể gầy gò nhỏ xíu nằm như chết. Bà vẫn ngồi đây trông nom con bệnh dù đã hai ngày không ngược xuôi khắp phố và xấp vé số hôm trước hãy còn một ít chưa trả kịp. Bà bạn chốc chốc trở mình rên, miệng lảm nhảm bận bịu. Bên ngoài đêm mênh mông im ắng, không một hạt gió tạt qua, không tiếng chim dội lại, không một viên sỏi trẻ con chơi nảy lên mặt đất. Đêm không trăng sao, bầu trời ngan ngát xanh thẫm buông chiếc mùng khổng lồ xuống mặt đất ngăn cản mọi sinh khí.
Người bệnh cựa mình, bàn tay trơ xương bấu níu khoảng không. Bà cụ nắm tay bạn, ngừng quạt hỏi nhẹ nhàng:
– Bà thấy trong mình ra sao?
Không trả lời. Bà cụ thuyết phục:
– Bà giữ nỗi niềm để khổ thân làm gì. Thôi tui đi nói thay cho bà nghen.
Người bệnh vội vã khoát tay, ánh sáng cái đèn hột vịt lờ mờ không thấy hai trũng mắt. Bà cụ chép miệng:
– Cực chưa. Bà suy nghĩ quá phát sốt chớ sao. Thuốc ông Bảy cho hai lần mà không hạ thì đủ hiểu là tâm bệnh mà. Mà tui hỏi bà, cũng tội nghiệp nó chớ. (Giọng trêu ghẹo) Mà nè, chắc cha nó cũng đẹp trai như nó hả bà?
Người bệnh nhếch mép, nụ cười mỉm phác họa trên đôi môi khô nhăn nhúm. Dưới mái tóc lưa thưa những kỷ niệm thuở nào vụt lại qua ngoằn ngoèo như tia chớp. Người bệnh muốn kể cho bạn nghe nhưng không đủ sức. Bữa trước xem truyền hình nhà ông Bảy, hoảng loạn đến nỗi đêm mê lảm nhảm sáng hôm sau bà bạn điều tra một tí là khai. Nhưng chi tiết chưa thố lộ thì cơn sốt đã ập đến chặn hết mọi lời, dìm cảm xúc. Bây giờ những vui buồn thời nào tưởng đã quên lại trồi lên sống động. Nhắm mắt, muốn yên tĩnh nghĩ đến thời xa xưa, thời bà luôn điệu đàng vung văng mái tóc dày quá thắt lưng, áo tím…
Con yêu, chẳng hiểu vì sao bà ngoại bỏ ông ngoại. Bà đi thình lình, dứt khoát, như thể chần chờ thêm ngày nào thì những sợi dây vô hình sẽ siết chân bà lại. Buổi chiều mẹ tan trường bà đã ở cổng, đưa vội bao thư rồi lên chiếc taxi chờ sẵn bên đường. Lúc đó mẹ ngỡ ngàng chưa hiểu, vội chạy về nhà, những dòng thư nhảy múa điệu gì loạn xạ với nhạc rần rật trong tai và lời buồn mà dứt khoát. Mẹ đọc lần hai rồi lần ba mới hiểu ngoại nói không thể sống với ông ngoại nữa. Không giải thích. Chẳng biết ông ngoại đã phạm lỗi gì. Lúc đó mẹ chợt thấy rõ hơn những lần cãi vã, tuy cố kìm lời nhưng ánh mắt hai bên không nhân nhượng. Từ đó, những bữa cơm chỉ hai cha con vừa dở vừa buồn, lẳng lặng nuốt những hạt gạo chín sao mà gai góc. Mẹ mới mười hai được phó thác mọi điều. Ông ngoại gầy tọp chẳng còn hồn vía khiến những cơn khóc thầm cũng phôi pha, mẹ cố quên, hiểu phải đối diện với việc không còn mẹ nữa và phải sống. Bà ngoại ở đâu chẳng biết.
Năm mẹ hai mươi, có người yêu, ông ngoại mất. Cầm cự nỗi nhục nỗi buồn như vậy cũng là nhiều. Tiễn cha vào huyệt mộ mà mẹ có cảm tưởng đang chôn sống chính mình. Chưa ôm bằng đại học, chẳng một chuyên môn, không của cải. Những gì ông ngoại để lại là máy hát và đống đĩa mà hai cha con nghe miệt mài hơn từ khi bà ngoại bỏ đi, và vốn liếng tự thân của mẹ là giọng hát trầm truyền cảm. Nghe lời khuyên bạn bè, ban ngày đến trường, ban đêm mẹ hát ở các quán cà phê. Nhiều khi thiên hạ mải chuyện trò chẳng ai để ý đã giúp mẹ thêm can đảm. Rồi quen nghề, bạo dạn. Nhưng bạo dạn không dừng ở đó nên cái mong muốn có bằng đại học đã nhường chỗ cho lộng lẫy áo quần, nữ trang xao xuyến. Chữ nghĩa tự nó rũ ra, rời bỏ mẹ. Mẹ cũng tủi thân hờn dỗi xa lánh người yêu còn lọc cọc đời sinh viên, ghen bóng gió. Dù thời đó quan niệm “xướng ca vô loài” tưởng bớt nặng nề, nhưng vẫn là, con ạ.
Rồi từ cà phê dân dã mẹ bước lên phòng trà, tiệc tùng, sân khấu lớn… Ở đó một lần mẹ gặp cha con, trời mưa như trút và để “chạy sô”, mẹ vui lòng cho anh sĩ quan xa lạ vụng về nhưng chân tình này đưa đi hộ. Lần một lần hai rồi thành thói quen, đêm đêm cha con đón đưa mẹ từ phòng trà này đến sân khấu khác, lặng lẽ ngồi chờ ở góc khuất nghe giọng mẹ trùm kín thính phòng, vương vãi những sợi tơ, chập chùng non cao bể sâu thề non hẹn biển. Giọng mẹ đã thắt con người vào với con người, đã đẩy đưa những điều khó nói, đã hàn gắn nỗi niềm đổ vỡ. Nhiều khi hát mà lòng nghĩ đến ông bà ngoại, đến hoàn cảnh cô độc của mình, đến tình yêu chưa hề được hưởng. Mẹ gửi gắm mọi tâm sự thế gian vào tiếng hát, trầm, vang, nỉ non, níu kéo mọi con tim. Tiếng hát mẹ đem nắng mưa về cho đất, đem thuyền ra khơi, đem chim muông về cây cỏ, đem sự sống về cho vạn vật. Và con ạ, dĩ nhiên dù không cố tình, vẫn đem theo cái chết. Nhiều quân nhân nghe mẹ hát không còn lòng dạ nào trở ra đơn vị nữa, họ muốn đào ngũ thay vì vác súng xả vào đồng loại. Nhiều cô gái ủy mị nghe mẹ hát đã để linh hồn mềm nhũn bị cảm xúc lôi đi, có khi là đến bờ vực thẳm. Người ta bảo mẹ có giọng ca liêu trai, mê hoặc, phù thủy, âm hồn, rù quyến… Mẹ ít ca ngợi mùa xuân mùa hạ, ít mang lại chồi non cỏ hoa hay ánh sáng chói chang, mẹ thường xưng tụng mùa lá vàng tả tơi đầy mặt đất, gió se se thịt da rồi lạnh tái tê mưa dầm gió chướng mùa đông. Người ta đồn nhau vài giọt mưa mẹ có thể hóa thân thành con sông mùa lũ, cơn gió nhẹ thành bão tố tim người… Nghĩa là thường tai họa. Mà không cưỡng được.
Chờ, toàn thân cha con lẫn trong bóng tối, chỉ làn khói thuốc thơm lờ lững bay thật xa đến quấn quýt mẹ. Lần nào đưa về cha con cũng bảo nghe em hát mà nổi da gà. Con tượng hình từ những đêm như vậy đó. Rồi da gà mẹ nổi khi nghe bác sĩ báo “tin vui”. Mẹ rất sợ. Không một ai để tâm sự. Có nên nói với một quân nhân rằng anh sắp làm cha?
Thời chiến mọi việc xảy ra rất nhanh con ạ. Đời sống như cơn sốt, tất bật, bấp bênh. Mẹ còn đang phân vân chưa biết tính sao thì cha con từ giã, lệnh hành quân khẩn cấp. Chẳng biết đó là trận Khe Sanh, Hạ Lào hay Đồng Hà, Đồng Hới… những địa danh ghê gớm ấy với một số người là lịch sử, với một số khác là mồ chôn, chính mình hoặc thân nhân. Chưa đầy tuần, một tối vừa hát xong đã có người chờ. Họ báo tin cha con không bao giờ về nữa. Như vở bi kịch, như trò đùa. Diễn viên chưa đóng trọn vai và khán giả cũng chưa hiểu thấu. Hoặc cái bất ngờ chẳng vắt được giọt nước mắt nào hoặc mẹ chẳng thực sự thương cha con, chỉ nghĩ đến mình phải cắn răng ngậm cái bào thai. Tiếng hát mẹ trầm buồn thêm, tới mức không thể trầm hơn nữa, không thể buồn hơn nữa. Mẹ đã rút nước mắt nhiều người và tự nhủ họ khóc cho mình. Đến khi thân thể biến dạng rõ ràng, mẹ ra Trung, nơi không ai quen biết…
Nhìn bạn thiêm thiếp ngủ, bà cụ ngừng quạt ngả lưng xuống chiếu bên cạnh. Bên ngoài đêm dai dẳng nhưng tiếng chó từ rất xa vọng tới báo tin vẫn còn sự sống.
***
Người bệnh (bây giờ không còn bệnh nữa) đến trước khách sạn anh ca sĩ ở, chờ bên kia đường. Lâu lắm anh mới về, bà gọi:
– Này cậu, cậu gì đó ơi, cậu tìm mẹ đó ơi!
Anh quay lại nghi ngờ, mắt sáng lên vội vã:
– Mẹ?
– Không, tôi không phải mẹ cậu, nhưng tôi có quen biết mẹ cậu.
Giọng bà run. Anh nắm hai tay bà mừng rỡ, dìu bà vào quán nước.
– Bà uống gì đi bà, nước cam được không?
– Gì cũng được cậu, tôi không khát.
Anh gọi nước, hí hửng:
– Bà quen biết mẹ cháu? Bà kể cho cháu nghe đi, mẹ cháu hiện giờ ở đâu? Bà là ai?
Anh sôi nổi, bà từ tốn khuấy mãi ly nước kéo thời gian trước khi vào chuyện. Chiếc muỗng con lanh canh bối rối. Bà nhìn màu vàng nhạt và lát cam nằm vắt trên ly, nửa vầng trăng tròn mùa thu. Bà đằng hắng, muốn sắp xếp lời lẽ cho ngọt ngào man mác êm như sáo chiều dật dờ…
– Tôi đã từng làm việc cho mẹ cậu, những năm cuối đời.
– Nghĩa là mẹ cháu…
– Chết rồi. Xin lỗi cậu. Mẹ cậu chết lâu rồi.
Mắt người đàn ông sụp xuống, anh vô thức mân mê vầng trán. Cả hai im lặng. Kết quả đã nói ra, phần còn lại chỉ là những chao lượn đường đi của trái banh căng tràn kỷ niệm.
– Vậy thì, vậy thì bà biết mộ mẹ cháu ở đâu?
– Ô, lâu lắm rồi cậu à. Người ta đã san bằng nhiều nghĩa trang để làm công viên hoặc sân banh. Mẹ cậu… mẹ cậu không có thân nhân nên không ai lo di dời hài cốt.
– Vậy thì hài cốt mẹ cháu vẫn còn chỗ cũ? Bà chỉ cho cháu được không?
– Còn chỗ cũ làm sao được cậu. Họ hốt đi đâu hết rồi mà. Gần hai chục năm nay rồi.
Người đàn ông thở ra, đôi mắt đẹp sau làn kính mỏng buồn lạ lùng, chớp lia. Có ngấn nước lăn tăn.
– Có thể có cách tìm ra chớ bà?
– Tôi chịu. Mà may có tìm ra thì cũng là mồ chôn tập thể, cũng san bằng.
Anh hỏi tên công viên mẹ đã từng nằm, thở dài, khe khẽ vỗ bàn tay nhăn nheo:
– Bà kể về mẹ cháu cho cháu nghe với. Tại sao mẹ cháu bỏ cháu vào viện mồ côi? Mẹ cháu làm gì? Tại sao mẹ cháu chết? Bao giờ?
Bà đằng hắng, chậm rãi uống vài ngụm nước cam, nhỏ nhẻ nhai nửa vầng trăng tròn mùa thu. Miệng ly bây giờ trống trải cô đơn:
– Mẹ cậu con nhà giáo, bà cũng là… nhà giáo. Họ không giàu có nhưng đàng hoàng lễ nghĩa. Vì vậy nên khi có bầu mà chẳng cưới xin thì làm sao sống được. Mẹ cậu phải trốn ra miền Trung, sinh cậu rồi cho các bà phước nuôi. Đó là tôi nghe mẹ cậu kể vậy.
– Sao ba mẹ cháu không cưới nhau?
– Cha cậu chưa biết có cậu thì đã chết trận. (Bà mơ màng) Có thể cũng là cái hay, thời đó quân nhân chết nay sống mai…
Anh nhíu mày:
– Làm sao bà biết đó là cháu?
– Mẹ cậu nói vào thời điểm đó, cậu là đứa con trai duy nhất ở viện mồ côi. Có mấy đứa nữa mà hoặc lớn hơn nhiều, hoặc con gái. Bữa xem truyền hình, tôi nghi rồi. Sau đó ông bạn đọc báo cho thêm chi tiết thì tôi hiểu chắc chắn là cậu.
Anh chép miệng ngẩn ngơ:
– Cháu đi khắp nơi hát bài Lòng mẹ với hy vọng mẹ cháu nghe, rồi mẹ con sum họp. Ai ngờ…
Bà gật gật đầu. Mấy hôm nay thiên hạ râm ran, cái anh chàng người Trung cao to mà giọng ngọt dịu êm đềm, nét mặt thánh hiền luôn mồm nỉ non tình mẹ. Giọng khỏe truyền cảm, anh hát dễ dàng như thở, lời cứ tuôn như nước mọi con sông đổ tràn ra biển. Nét mặt anh thản nhiên trầm tĩnh mà người nghe nôn nao nước mắt. Tiếng hát mênh mang mênh mang trải dài trên các con đường, dẫm sâu vào lòng các bà mẹ trẻ già khắp nơi trong thành phố, xuyên suốt mọi con tim. Cái truyền hình nhỏ xíu mà tải lòng anh bao la, nó bằng phẳng mà chất được tình anh sâu thẳm. Nó phát hình anh hát, dạo phố, trò chuyện với người muốn chia sẻ nỗi niềm. Chẳng được nâng niu chăm sóc, anh vẫn tin theo nhạc sĩ Y Vân là Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào, Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào, da diết rưng rưng…
– Mẹ cháu chết vì sao hả bà?
– Ờ à… sốt xuất huyết hay gì gì đó cậu, nghĩa là sốt cao lắm.
– Lúc đó bà trông nom mẹ cháu?
– Ơ… không. Dạo đó tôi về quê, tang lễ vội vàng mà chẳng ai báo tin nên khi tôi lên thì mọi việc đã xong.
Anh lại chép miệng, lắc đầu, nhìn sững nền gạch hoa như mộ mẹ san bằng dưới đó.
– Thôi cậu đừng buồn, cái số như vậy rồi.
Họ nói với nhau linh tinh chuyện. Anh bóp trán. Một lát bà đứng lên:
– Thôi tôi về đây.
– Khoan, bà chờ cháu chút…
Anh rút ví, xấp mỏng giấy năm trăm nghìn đồng đặt cạnh tay bà:
– Xin phép bà, cho cháu biếu bà chút tiền, coi như mẹ cháu giúp bà vậy.
Bà cười gật đầu, rất tự nhiên nhón một tờ rồi đẩy trả anh phần còn lại:
– Xin cậu một tờ. Bà bạn tôi bệnh mấy hôm trước, lỗ chỗ vé số không trả kịp. (Cười giòn) Hết bệnh vội đi dò, cả xấp mà chẳng tờ nào trúng. Nhưng tờ bạc này là quá dư rồi. Cảm ơn cậu.
– Cháu phải cảm ơn bà nhiều chứ. Xin bà lấy cả đi…
– (Âu yếm đặt tay lên vai anh) Khỏi cậu. Coi như là tôi cho tin tức thì cậu trả tiền hậu hĩnh rồi đây, cậu không nợ nần gì tôi nữa đâu.
Và họ chia tay, mỉm cười thân thiện.
Con ạ, mẹ đã không Thương con thao thức bao đêm trường để nhìn con yên giấc mà vui sướng biết bao. Hồi bỏ con, mẹ còn mừng, mừng vì tin là con nằm trong những bàn tay dịu dàng ân phước, mừng là mẹ có thể làm lại cuộc đời, không tai tiếng… Có lẽ mẹ không thương yêu cha con đâu, chỉ thích vẻ ngang tàng lính tráng, chỉ là cảm thôi, có người chăm chút cho mình, điều mà mẹ thiếu thốn từ hồi bà ngoại bỏ đi. Giờ nghĩ lại, tất cả chỉ là ích kỷ, vụng dại. Mẹ đã chẳng Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn. Mẹ đã đưa con chập chững vào đời bằng những bước truân chuyên, để con tự bơi với người xa lạ. Con đã thành người, thành tài mà không có mẹ trên suốt đoạn đường. Và thay vì oán bị bỏ rơi, con lại tha thiết đi tìm. Té ra mẹ sống một đời mà chẳng hiểu ai, không hiểu cha mẹ mình, không hiểu cha của con, và cũng chẳng hiểu con mình. Con thừa hưởng của mẹ giọng trầm truyền cảm, thừa hưởng của cha tất cả phần xác với đôi mắt đẹp thiên thần và con tim từ ái. Lúc nhìn con xoa bóp trán, mẹ chợt nghĩ à, nếu được chơi đùa với hai đứa cháu nội hẳn sung sướng vô biên. Mẹ vội gạt đi.
Mẹ hiểu con vẫn tiếp tục dò la. Những bà già bán vé số như mẹ thì hằng hà, lơ lửng trong không, chẳng còn họ tên gì nữa, nên mẹ con đã thực sự chết rồi. Làm sao tìm ra người chết, nếu không phải trong mơ…
- Paris-NT, Avril 2012