Trà có lịch sử hàng ngàn năm và với nhiều nền văn hóa, huyền sử thì cho rằng trà có từ thời vua Thần Nông ở Trung Hoa thời cổ đại, nhưng qua cứ liệu còn lưu giữ được thì trà được sử dụng như một dược phẩm để uống từ thời nhà Đường. Từ Trung Hoa, trà theo các nhà tu, thương nhân đến nhiều xứ sở khác, song mãi tới thế kỷ XVI thì người châu Âu mới biết đến thức uống này. Sang thế kỷ XVII, uống trà đã hết sức phổ thông ở nước Anh và chính người Anh đã góp phần quan trọng để hình thành công nghiệp sản xuất trà, tiêu thụ trà rộng rãi trên thế giới bắt đầu từẤn Độ khi đất nước này còn là thuộc địa của đế quốc Anh.
Chỉ riêng ở Trung Quốc ngày nay đã có hàng trăm loại trà khác nhau với nhiều cách thưởng thức, còn khi trà du nhập vào những xứ sở khác thức uống này lại có những cách chế biến phù hợp với khẩu vị của người bản xứ.
Trà ở Trung Quốc
Tất nhiên tại quê hương của trà thì ngành công nghiệp sản xuất và tiêu thụ trà phát triển rất mạnh.Đến Trung Quốc, du khách tìm trà để uống còn dễ hơn tìm nước lọc song điều đó không có nghĩa là mọi thứ trà đều có giá rẻ. Ai ai cũng có thể uống một chén trà thông thường với giá vài xu, song để thưởng thức những loại trà thượng hạng, những danh trà bậc nhất như trà ô long Đại Hồng Bào thì phải là “đại gia” hay “ẩm giả” thứ thiệt: 1kg trà được coi là ngon nhất thế giới này có giá khoảng 70.000 USD! Bà Heidi Johannsen Stewart, chuyên gia về trà và là chủ nhân cửa hàng trà Bellocq nổi tiếng ở New York cho biết: “Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất trà lớn nhất thế giới với sản phẩm trà cực kỳ đa dạng: các vùng đất khác nhau sản xuất các loại trà đen, trà xanh, trà ô long, hoàng trà, bạch trà và trà phổ nhĩ (trà được trồng ở vùng Vân Nam, được lên men trong quá trình sản xuất và làm thành những “bánh trà” hình tròn nhiều kích cỡ, khi uống sẽ cắt ra một miếng nhỏ để pha)”.
Không chỉ “cực kỳ đa dạng” về các thương hiệu trà, người Trung Quốc còn hết sức cầu kỳ trong cách pha trà với các loại trà cụ. Mới đây, một tỉ phú và là nhà sưu tập cổ vật ở Thượng Hải đã bỏ ra 36,3 triệu USD để mua một cái tách uống trà có từ đời nhà Minh và tuyên bố sẽ uống trà hằng ngày bằng cái tách ngàn vàng ấy!
Trà ở nước Anh
Có lẽ ngoại trừ người Hoa, không dân tộc nào yêu thích trà cho bằng người Ăng-lê. Thói quen đã thành tục lệ là uống trà chiều với vài món ăn nhẹ bắt nguồn từ giới quý tộc, thượng lưu vào đầu thập niên 1840, sau đó lan rộng ra các tầng lớp khác và trở thành truyền thống không chỉở Anh mà còn tại nhiều nước từng là thuộc địa của đế quốc Anh hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa Anh. Người khởi xướng cho tục lệ này được cho là Anna Maria Russell, nữ công tước xứ Bedford. Bữa trà chiều thường diễn ra vào khoảng từ 4g đến 6g chiều mỗi ngày, trà được uống với sữa hoặc đường và đi kèm là ít bánh ngọt, bánh mì phết bơ, rau xà lách… Trà dùng cho bữa trà chiều là trà đen, được trồng nhiều ởẤn Độ, Sri Lanka…
Thương hiệu trà đen nổi tiếng, thông dụng tại Anh là Earl Grey với hương bergamot, một loại chanh trái nhỏ có vỏ chứa tinh dầu mùi thơm đặc trưng, được trồng ở vùng Calabria của nước Ý, chỉ nở hoa vào mùa đông. Trà Earl Grey được đặt tên từ huân tước Earl Grey đệ nhị, nguyên là Thủ tướng Anh thập niên 1830 bởi ông đã được nhận một món quà tặng về mặt ngoại giao là một gói trà ướp hương chanh và từ đó ưa thích loại trà ướp hương này.
Trà xứ Ấn Độ
Nếu như màu cam nóng là màu sắc đặc trưng của Ấn Độ thì hương thơm đặc trưng của tiểu lục địa này chính là hương trà. Gần nhưở mỗi góc đường trong các đô thị xứẤn đều có một người bán trà, mỗi người lại có một cách pha trà theo công thức của riêng mình với loại trà đen chủ yếu được trồng ở bang Assam vùng cao phía đông bắc Ấn. Trà được cho lên men nhẹ, được ướp với nhiều hương liệu như quế, gừng, hồ tiêu, nhục đậu khấu, đinh hương, anise; khi pha được uống với đường cát hoặc đường thô, mật ong.
“Ở xứẤn, trà được nấu khá đậm, vì thế chén trà rất nồng và nhiều bọt. Khi tôi pha trà kiểu Ấn tại nhà mình, tôi còn thêm vào tách trà một lát gừng tươi, mùi vị của nó khiến chén trà càng đậm đà và tăng thêm sựấm nóng, khoan khoái”, bà Heidi Stewart nói.
Trà đạo Nhật Bản
Chắc hẳn không có nền văn hóa nào trên Trái đất yêu thích các nghi thức như văn hóa Nhật.Ở đất nước Phù Tang, vào mùa trăng rằm hay khi hoa anh đào mùa xuân bắt đầu nở hoặc lúc lá cây đang xanh trở nên vàng rực vào mùa thu, người ta lại bắt đầu những lễ hội truyền thống với rất nhiều nghi thức được gìn giữ từ bao năm qua. Nên không lạ khi uống trà đã được nâng lên thành một nghệ thuật hết sức tinh tế, cầu kỳ, hay đúng hơn đã trở thành một dạng tôn giáo: Trà đạo.
Theo truyền thuyết Nhật Bản, vào thế kỷ XII vị cao tăng Eisai sang Trung Hoa học đạo, khi về nước ngài mang theo hạt giống trà về trồng trong sân chùa; cũng chính nhà sư Eisai đã viết tập sách Khiết trà dưỡng sinh ký (Kissa Yojoki) nói về thú uống trà. Ban đầu là một cách thưởng ngoạn cuộc sống của giới cầm quyền thời phong kiến, dần dà uống trà phổ biến rộng rãi trong xã hội Nhật và rồi kết hợp với Thiền đạo của Phật giáo, thú uống trà được nâng cao trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của dân tộc Nhật. Và như bà Heidi Stewart nhận định: “Cho tới ngày nay, mọi thứ trong nghi thức uống trà của người Nhật vẫn luôn được gìn giữ cẩn thận: loại chén để uống, chiếc khay trà, thời gian uống…”. Song sâu xa hơn nữa của Trà đạo Nhật chính là cái khoảnh khắc thời gian quý giá của nghi thức uống trà, khi mà mọi sự diễn ra chậm rãi, người uống trà chỉ còn tập trung thưởng thức chén trà xanh nóng hổi trong tay mình.
Uống trà kiểu Đông Phi, kiểu Ma-rốc
Một trong những “khai sáng” của thực dân Anh ở vùng Đông Phi chính là bữa trà chiều, cũng có từ đầu thế kỷ XIX. “Nhiều loại trà được trồng ở Kenya và Malawi, đậm mùi da cũ (do trà được đựng trong các túi may bằng da các loại gia súc). Trà vùng Đông Phi rất khác thường, rất đặc biệt” theo lời chuyên gia Heidi Stewart. Cũng theo bà thì để nếm trải hương vị “rất khác thường” đó, hãy uống loại trà Shire Highland Antlers được trồng ở một đồn điền nhỏ tại Malawi sau một chuyến safari trên đồng cỏ châu Phi: “Nó có mùi vị thô mộc, đáng yêu của cacao”. Trong khi đó, du khách từng đến với đất nước Ma-rốc ở Tây Phi đều sẽ được chào mừng với một ly trà bạc hà bốc khói, thơm ngát, hoặc ngọt vừa hoặc rất ngọt. Người đàn ông cao tuổi nhất ở ngôi nhà du khách đến thăm sẽ thực hiện nghi thức mời trà truyền thống đó. “Trà ở Ma-rốc là sự kết hợp của trà xanh Trung Quốc với lá bạc hà tươi hoặc phơi khô bản xứ. Cách mời trà thật đẹp và tinh tế, cũng là trà thôi nhưng trà Ma-rốc được chế biến thơm hơn và tỏa mùi hương khắp căn phòng”, bà Heidi Stewart cho biết.
Còn những phong cách uống trà cũng độc đáo như kiểu Nga, kiểu Thổ Nhĩ Kỳ… Tại Việt Nam, theo sách An Nam chí lược thì từ thời nhà Ðinh, trong số sản vật tiến cống nhà Tống có trà thơm, cho thấy người Việt đã biết uống và chế biến trà từ lâu. Các cuộc khai quật khảo cổ học tiến hành Nông Giang, Thanh Hóa đã phát hiện nhiều bình, chén, đĩa trà có niên đại cùng thời với đời Tống. Các vùng trà tại Việt Nam có từ Bắc chí Nam, nổi tiếng là Thái Nguyên, Lai Châu, Phú Thọ, Hòa Bình, Nghệ An, cao nguyên Bảo Lộc (Lâm Ðồng)…
Lưu Hương (DNSGCT)