“Doanh nhân cần làm mới chính mình, làm mới doanh nghiệp để thành công bền vững”. Đó là lời khuyên của ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE tại lễ tôn vinh hơn 600 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo giám đốc của PACE diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 7-12.
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, cụ Lương Văn Can đã từng rất xem trọng tinh thần cạnh tranh, làm mới trong kinh doanh: “Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong thương trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Buôn bán thịnh đạt thời trong nước giàu mạnh không biết đâu là cùng, buôn bán suy thời trong nước nghèo yếu không đâu mà kể, cứ xem cái trình độ buôn bán của một nước cao hay thấp, rộng hay hẹp thời xét được dân nước ấy giàu hay nghèo, văn hay dã. Việc buôn bán có quan hệ thịnh suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được” (trích “Thương học phương châm”, được xem là cuốn sách giáo khoa đầu tiên của giới thương nhân Việt Nam). Từ khi nền kinh thương Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới vào cuối thập kỷ 1980, tinh thần đổi mới và hội nhập trong lời tâm huyết của cụ Lương Văn Can ngày càng được doanh nhân Việt Nam khẳng định trên thương trường, đặc biệt là khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007.
Nhưng sự lạc quan, hồ hởi của doanh nhân Việt nhanh chóng đi vào giai đoạn khủng hoảng từ năm 2008 kéo dài cho đến hôm nay với hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản. Theo Tổng cục thống kê, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam có tới hơn 54 ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác đang phải cố gắng sống từng ngày để chờ ngày bức tranh nền kinh tế Việt Nam có những vệt sáng trở lại.
Thật may, ngoài những thách thức thì chặng đường trước mắt chúng ta cũng có các cơ hội lớn. Đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ cùng với các nước dọc hai bên bờ biển Thái Bình Dương hợp thành khối thương mại tự do với quy mô 40% dân số thế giới và 60% GDP trên thế giới. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2015, hứa hẹn sẽ là dòng chảy hoàn toàn tự do về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, tiền vốn và lao động có kỹ năng trong cộng đồng quy mô 600 triệu người và 2,3 ngàn tỉ USD.
Trong khi hầu hết doanh nghiệp ở các quốc gia như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia đã chuẩn bị công phu về AEC và TPP để kịp hội nhập và bứt phá thì doanh nhân Việt Nam lại khá thờ ơ. Liệu chúng ta sẽ hội nhập trong vị thế nào? Hay chúng ta lại một lần nữa trở thành người chỉ chiếm vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị gia tăng?
Theo ông Giản Tư Trung thì chỉ có cách làm mới chính mình, như sự tái sinh của con chim phượng hoàng trong truyền thuyết. Phượng hoàng không muốn chết trong sự già nua nên đã đốt mình bằng một ngọn lửa tự thân và tái sinh dưới hình dáng của một chú chim non đầy sức sống.
Doanh nhân Việt Nam cũng vậy. Chúng ta đang cần những “Tinh thần mới, con người mới, cho nền kinh thương mới”. Đó sẽ chính là những con người luôn mang trong mình: (1) Khát vọng mới: Đó là khát vọng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới, dù quy mô của doanh nghiệp là lớn hay chỉ nhỏ gọn trong phạm vi gia đình, dù là đua tranh ở bên ngoài đất nước hay đua tranh với thế giới ngay trong “nhà” của mình, chứ không chỉ là đua tranh giữa các đồng nghiệp Việt Nam với nhau. (2) Năng lực mới: để có thể thực hiện được khát vọng mới nói trên. Những con người có khả năng nhìn xa và trông rộng, có khả năng sống một cách đàng hoàng và làm ăn thành công cùng những con người với đủ màu da, quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo… (3) Văn hóa mới, phẩm chất mới để làm nền tảng cho việc thực hiện khát vọng của chính mình. Thay đổi chính mình để mở đường cho sự phát triển, cũng là thể hiện sự thông thái như câu nói của học giả Ba Tư Mehmed Rumi: “Trước kia, khi tôi thông minh, tôi muốn thay đổi thế giới. Nay, tôi thông thái, tôi đang thay đổi chính mình”.