Yoga được biết đến là phương pháp luyện tập giúp cải thiện sức khỏe, giúp cơ thể dẻo dai và tinh thần thư thái hơn. Nhưng một số người tập yoga có thể gặp những vấn đề về sức khỏe, ngay cả những người tập lâu ngày.
Tập yoga không đúng, càng tập càng đau
Thông tin từ các chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình tại các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy chấn thương do tập yoga ngày càng tăng do sự bùng nổ số lượng học viên. Bác sĩ chúng tôi đã khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị hội chứng đau cổ – vai, đau lưng cấp… sau tập yoga trong khi cột sống đã quá tải do làm việc suốt ngày.
Chấn thương do tập yoga gần đây có xu hướng tăng nhanh thường do học viên tự luyện tập theo băng đĩa tại nhà, không có người hướng dẫn hoặc do học viên nôn nóng muốn thực hiện thuần thục nhanh các động tác yoga. Một nguyên nhân cũng khá phổ biến nữa là người hướng dẫn thiếu kinh nghiệm, thiếu cả các kiến thức về an toàn và khả năng chấn thương do yoga gây ra. Chẳng hạn như ở tư thế kéo giãn cột sống, người tập thường cố gắng cúi xa như mọi người cùng lớp, khi không cúi xa được huấn luyện viên giúp đỡ bằng cách đẩy vào đúng tư thế. Hậu quả là người tập bị đau.
Thực tế ở nhiều trung tâm yoga tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều lớp học quá đông, thầy giáo không đủ thời gian hướng dẫn cho từng người học. Về phía học viên, tâm lý học nóng vội, mang tính ganh đua, cố gắng thực hiện các tư thế khó quá sức, học từ xa, tự học… cũng có thể không làm đúng cách, dễ gây chấn thương. Chấn thương khi tập yoga là do tình trạng căng cơ (strain) lặp đi lặp lại, hoặc do kéo giãn quá mức (overstretching) các gân cơ dây chằng. Các vùng thường gặp chấn thương nhất là cột sống lưng, cổ, vai, đầu gối, cẳng chân…
– Đau lưng: Yoga có rất nhiều tư thế cúi hoặc ngửa tối đa làm các dây chằng dọc đốt sống và các cơ cạnh sống lưng bị căng giãn quá mức. Nguy hiểm hơn, chấn thương đĩa đệm cột sống cũng có thể xảy ra nếu thực hiện các tư thế không đúng trong các tư thế cúi – vặn người.
– Chấn thương vùng vai: Vai là một vùng có cấu tạo và vận động phức tạp gồm nhiều khớp và hệ thống gân cơ dây chằng xung quanh. Do khớp vai có thể xoay tròn với tầm rất rộng, cũng có nghĩa “chênh vênh”, nên rất dễ bị trật khớp hoặc giãn dây chằng khi ở vào vị trí không thuận lợi. Hơn nữa, do có nhiều cơ xung quanh nên nếu tập quá nhiều một động tác mà không có các tư thế đối nghịch dễ gây ra tình trạng mất cân bằng giữa các nhóm cơ. Triệu chứng thông thường là đau vùng vai, biểu hiện của viêm gân cơ, hội chứng chạm của cơ vào xương hay mất vững khớp vai.
– Chấn thương vùng cổ: Đa số các động tác yoga giúp ngửa tối đa để phục hồi độ cong của cột sống cổ và tập mạnh các nhóm cơ ngửa, cơ thang ở phía sau. Tuy nhiên nếu đang bị đau cổ hoặc chấn thương cổ cấp tính, một vài động tác (đặc biệt kiểu gập cổ) sẽ làm tổn thương nặng thêm.
– Cổ chân: Dây chằng phía ngoài cổ chân dễ bị kéo căng quá mức khi thực hiện không đúng các tư thế như ngồi chéo chân, đứng một chân… Dây chằng bị giãn là nguy cơ của bong gân cổ chân khi chạy nhảy.
– Một số chấn thương khác: như giãn dây chằng bên ngoài đầu gối, rách cơ đùi sau, hội chứng ống cổ tay (tê tay)… đều đã được ghi nhận.
Một số lưu ý khi tập yoga
Yoga giúp cải thiện một số vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể chất, đây là kết quả đã được y học nghiên cứu và chứng minh. Những báo cáo y học năm 2010 cho thấy yoga làm giảm trầm cảm và lo lắng hiệu quả hơn so với những người đi bộ. Về sức khỏe thể chất, yoga giúp cải thiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Ngoài ra, yoga cũng có tác dụng tốt trong điều trị đau thắt lưng mãn tính. Vì các động tác yoga giúp kéo giãn cơ cột sống phối hợp với thả lỏng các nhóm cơ khác giúp tưới máu ở vùng cột sống tốt hơn, làm tăng ngưỡng đau đồng thời giúp cơ cột sống và cơ bụng khỏe hơn.
Bên cạnh đó, một số ít nghiên cứu cho thấy yoga còn có những tác dụng nhất định đối với bệnh tăng huyết áp, ung thư. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể xem yoga như một cách chữa bệnh thay thế dinh dưỡng hay thuốc điều trị. Đặc biệt lưu ý yoga hầu như không có tác dụng đối với trẻ hay với bệnh động kinh, viêm khớp dạng thấp và các triệu chứng mãn kinh.
Để hạn chế tối đa chấn thương do tập yoga, Tổ chức Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình hàn lâm Hoa Kỳ (AAOS) đưa ra các lời khuyên sau:
– Nếu đang có bất kỳ bệnh hay chấn thương nên báo với bác sĩ trước khi tham gia tập yoga.
– Học với thầy hướng dẫn giỏi, nên hỏi về kinh nghiệm và quá trình làm việc của họ.
– Làm nóng kỹ lưỡng trước buổi tập, gân cơ dây chằng “nguội” dễ bị tổn thương.
– Ăn mặc thích hợp để thực hiện đúng các tư thế vận động.
– Những người mới nên bắt đầu từ từ, tập các bài căn bản, chẳng hạn như tập thở, không nên cố gắng kéo giãn quá mức từ đầu.
– Nếu bạn không hiểu rõ một tư thế hay một vận động nào đó, nên hỏi kỹ càng người hướng dẫn.
– Nhận biết đâu là giới hạn. Không cố gắng thực hiện một động tác quá mức kinh nghiệm của bản thân hay khi cảm thấy bị gò ép.
– Hiểu rõ đang tập loại yoga nào. Có hàng trăm loại khác nhau, loại này có thể có mức kéo căng hơn loại khác, điều quan trọng là chọn kiểu yoga nào phù hợp nhất với nhu cầu của bạn.
– Giữ cơ thể không mất nước bằng cách uống nhiều nước, đặc biệt nếu tập các loại bikram hay “hot” yoga.
– Lắng nghe cơ thể của bạn, nếu cảm thấy đau hay kiệt sức khi tập nên ngưng tập, nghỉ ngơi, nếu vẫn còn đau nên đến bác sĩ để được tư vấn.
Tóm lại, từ khi du nhập và trở nên phổ biến tại Việt Nam, yoga đã mang đến cho mọi người một phương pháp mới luyện thể chất, dưỡng tâm trí và mở ra con đường “không giới hạn” cho các yogi (người tập yoga) muốn đắc đạo. Tuy nhiên, ở mức độ căn bản, yoga không mang lại những kết quả bất ngờ hay kỳ diệu cho một cơ thể bình thường, càng không phải là cách tập vật lý trị liệu để chữa bệnh, ngược lại còn có thể bị chấn thương mới. Với mục đích rèn luyện sức khỏe, nên xem yoga là một phương cách tập luyện với tất cả lợi ích (nếu tập đúng) cũng như tác hại (nếu tập sai) mà bất kỳ một môn thể dục thể thao nào cũng có.
- BS Trương Công Dũng