Cuối tuần rồi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thống nhất việc tăng lương theo phương án do Chính phủ đề xuất. Theo đó, từ ngày 1-1-2015, Chính phủ sẽ dành khoảng 11,1 ngàn tỉ đồng từ khoản vượt thu năm 2014 để điều chỉnh tăng lương cho ba nhóm đối tượng là người hưu trí, người có công và cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương dưới 2,34.
Đề xuất tăng lương này còn phải chờ Quốc hội thông qua vào ngày 10-11 tới. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh này một mặt giúp cải thiện thu nhập cho gần 5 triệu người, chiếm khoảng 2/3 tổng số đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước; mặt khác đảm bảo mối tương quan với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp. Bộ Tài chính đang đề xuất ba phương án.
Phương án 1: Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,24 triệu đồng/tháng. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương cơ sở – mức tăng tương ứng mức lạm phát trong hai năm 2014-2015 cho cả ba nhóm đối tượng nói trên. Tổng kinh phí tăng thêm khoảng 33.000 tỉ đồng.
Phương án 2: Chỉ tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và lương đối với bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp, tổng kinh phí tăng thêm khoảng 11.000 tỉ đồng.
Phương án 3: Chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, cụ thể là tăng 10%. Nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 6.700 tỉ đồng.
Sau khi xem xét, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án 2. Theo đó, nếu sắp tới Quốc hội thống nhất thông qua thì từ ngày 1-1-2015, tiền lương và trợ cấp sẽ được tăng bình quân 8% cho ba nhóm đối tượng là người có công, người nghỉ hưu và bộ phận công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (có hệ số lương từ 2,34 trở xuống). Theo dự tính, tổng số tiền lương tăng thêm theo phương án này là 11.100 tỉ đồng và khoảng 4,7 triệu người được thụ hưởng.
Nguyễn Thắng