Không có ý định biến không gian làm việc thành nơi trình diễn ý tưởng, chủ nhân và cũng là người thiết kế văn phòng này hướng tới mục tiêu gắn kết đội ngũ nhân viên như trong một gia đình.
Một lý do để anh chọn địa điểm này: khu vực chung quanh cao ốc còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và kiến trúc, lại có một tầm nhìn tuyệt đẹp ra cảnh quan xung quanh. Ở đó, những người thiết kế trẻ tiếp thu được nhiều điều bổ ích từ sự giao thoa kiến trúc quá khứ và hiện tại của một thành phố đang trên đà phát triển để có thêm cảm hứng sáng tạo.
Khu vực làm việc của nhân viên
Một văn phòng trong cao ốc có ưu thế là tất cả mọi phân khu chức năng đều trên một mặt phẳng, không bị chia cắt bởi các tầng như khi nằm trong một ngôi nhà phố. Điều đó tạo thuận lợi về mặt truyền thông giữa các khối nhân viên trong văn phòng cũng như hình thành bầu không khí gia đình giữa các thành viên. Các vách ngăn được dỡ bỏ để trở thành một không gian duy nhất. Nhìn vào sơ đồ bố trí các bộ phận khác nhau, có thể nhận ra sự tương tác cao ở đây: “sếp” và nhân viên đều cùng một tầm nhìn, dễ dàng chia sẻ, trao đổi công việc. Có thêm gian bếp ấm cúng để khi cần có thể nấu tô mì gói, pha tách cà phê…
Lối vào văn phòng với phòng họp cạnh đó
Nhưng chính cảnh quan được nhìn từ trên cao cũng như đời sống văn hóa của khu vực xung quanh mà mọi người dễ dàng tiếp cận mới là yếu tố chính để chủ nhân văn phòng này chọn nơi đây. Một Sài Gòn đặc trưng sông nước với những đổi thay không ngừng được quan sát từ các khung cửa kính. Khi thì là vẻ hiện đại với nhà hàng nổi trên sông lấp lánh sắc màu về đêm, lúc lại thật bình dị với những ghe nhỏ chở trái cây bán dạo trên sông buổi sớm. Và cao ốc hiện đại xen lẫn mái ngói lô nhô của các công trình cũ kỹ (mà cao ốc ngày càng nhiều hơn còn các ngôi nhà cũ cứ biến mất dần!).