Léviathan là một loại thủy quái trong thần thoại phê-ni-xi, cũng như trong Thánh kinh. Không rõ hình thù vì là hỗn hợp của rồng, rắn, cá sấu…, nó tiêu biểu cho sự tàn phá khủng khiếp có thể đảo lộn trật tự địa lý, thay đổi hành tinh, thậm chí hủy diệt cả thế giới. Người ta cho rằng đặt tên phim là Léviathan, nhà làm phim Nga Andreï Zviaguintsev đã dụng ý tác phẩm cùng tên của triết gia Thomas Hobbes viết năm 1651 với một nghĩa hoàn toàn chính trị: Léviathan là Nhà nước tương đương với con thủy quái này. Theo ngữ nghĩa Việt Nam, hai “quái” đó có điểm chung là từ… “nước”.
Truyện phim là chuyện đời thường hay hoàn toàn hư cấu còn tùy bối cảnh văn hóa xã hội mỗi nơi: một cặp vợ chồng cùng với đứa con trai riêng của chồng, sống ở vùng biển phía bắc nước Nga. Vợ làm việc trong xưởng cá, chồng có gara sửa xe sát nhà, trên ngọn đồi rộng từ mồ hôi nước mắt bao nhiêu đời tích cóp. Ông Thị trưởng thành phố muốn mua tất cả cơ ngơi đó với giá 600 nghìn thay vì 3 triệu rưỡi rúp. Dĩ nhiên chủ đất từ chối, không những chỉ vì tài sản và đất đai, vì kỷ niệm gia đình, mà còn vì vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây đã quấn quýt anh từ tấm bé. Vậy là bi kịch bắt đầu.
Cuộc đọ sức không tương xứng giữa kẻ quyền thế bất lương dưới trướng có cả một băng đảng sẵn sàng tiêu diệt bất kỳ ai trái ý, và một gia đình lương thiện cô thân chỉ biết trông cậy vào người bạn luật sư đến từ Moscow. Và từ đây một bi kịch khác nảy sinh. Những tưởng trí thông minh của luật sư vượt thắng sự thô bạo của Thị trưởng, nhưng mọi việc lại chệch đi từ một đam mê: sự vụng trộm giữa cô vợ trẻ và người bạn hào hoa.
Hầu hết các nhà phê bình đều điểm bộ phim dưới “ý đồ” chính trị: tố cáo tệ đoan xã hội bắt nguồn từ quyền lực nhà nước, ở một đất Nga chẳng khác gì thời Liên Xô trước kia, nhất là khi đây không phải là phim đầu tiên có thái độ dấn thân của Andreï Zviaguintsev. Nhưng bên cạnh, các tình tiết khai triển trong phim cũng tinh tế, lôi cuốn không kém: sự trái nghịch giữa chung thủy-ngoại tình, hối lộ-ý thức bổn phận, hy vọng-thất vọng, thiên nhiên-xã hội, nghi ngờ-tin tưởng… Nằm trong tổng thể là vùng biển hoang sơ, đẹp, u tịch, nơi chơ vơ bộ xương cá voi và mấy xác tàu đánh cá rỉ sét mục nát, bọt sóng tha hồ đùa nghịch. Hết sức cô độc, lãng mạn và buồn. Cảm tưởng như mình ở tận cùng thế giới, xa cách tất cả, và bình yên. Con đường độc đạo bụi mịt mù mỗi lần xe chạy, không một thân cây to hay nhỏ, các vồng đất nhấp nhô dẫn đến bờ vực dốc đứng, sóng va đập vào ra bọt tung trắng xóa trên các tảng đá chất chồng đen bóng rong rêu. Nơi đây, một sáng đi làm như thường lệ, cô vợ trẻ trầm mình khi mối tình vụng trộm bị phát hiện, đứa con trai phẫn nộ hét với cha: “Tôi chán các người lắm! Tôi ghét bà ấy lắm! Bỏ bà ấy đi!”.
Chờ vợ mãi không thấy về, người chồng tưởng bạn đòi được ở Thị trưởng 3 triệu rưỡi rúp đã ôm về Moscow, và vợ mình theo tình nhân tới đó. Anh không biết là bạn đã âm thầm bỏ đi vì bị tên Thị trưởng lừa dụ, đưa đến nơi hoang vắng cho đám lâu la hè nhau một trận hội đồng. Nên anh phôn bạn không bắt máy. Số của vợ thì không có tín hiệu. Đến khi xác cô được tìm thấy, đơn độc tận cùng, anh khốn khổ gào lên “Tại sao, tại sao, Chúa ơi!”. Nhưng Chúa không trả lời. Chẳng ai trả lời. Có chăng là tiếng gầm gừ dưới kia của con thủy quái. Anh tu vodka liên tục. Hết. Đi mua. Gặp vị cố đạo ở tiệm tạp hóa, anh hỏi “Chúa nhân từ của các người ở đâu?”. Đáp “Chúa của tôi thì ở với tôi đây, còn Chúa của anh ở đâu thì tôi không biết”. Cha bảo anh có bao giờ đi nhà thờ đâu, có bao giờ cầu nguyện đâu. (Lạ chưa, chẳng phải Chúa ở khắp mọi nơi sao, đâu phải chỉ tới nhà thờ mới gặp? Vậy phải chăng ông Thị trưởng gặp Chúa thường xuyên, vì ông đi nhà thờ và đóng góp rất nhiều?). Sau một hồi nghe thuyết giáo, anh vác hộ cha cố bao bánh mì về nhà – hình ảnh của một người bắt đầu có suy nghĩ mới.
Nhưng bản án nhanh chóng thành hình: người ta kết tội chồng giết vợ vì ghen, rằng gáy cô có dấu đập của vật cứng, đúng như chiếc búa tìm thấy ở nhà anh, rằng cô bị chết rồi mới thả xuống biển… Mười lăm năm của anh không trôi nổi như nàng Kiều, anh chỉ đứng bất động sau chấn song, mắt vô hồn nhìn sững một nơi và câm nín như một nấm mồ. Thị trưởng được ai đó báo tin khi đang dùng bữa ở tiệm ăn. Ông hỏi “Mười lăm năm hả? Được”. Thản nhiên, không một ánh mắt hài lòng hay bất mãn. Ông gọi thêm bình vodka. Mông và bụng ông trào ra khỏi bề sâu của ghế.
Ngay ngày hôm sau, xe “cẩu” hung hăng kiểu thủy quái, dương cánh tay khổng lồ tàn nhẫn, phần đầu là bàn tay sắt thô bạo đập mạnh vào căn nhà trắng chơ vơ cạnh biển. Các bức tường đổ xuống, mái nhà đổ xuống, vật dụng trong nhà đổ xuống. Mọi thứ đổ xuống. Tiếng vỡ chát chúa của cửa kính, của ly tách, của vật dụng át hẳn tiếng máy nổ xe cẩu, át hẳn âm thanh lao xao của biển muôn đời đã nhìn bao thế hệ một gia đình. Không còn cảnh qua cửa sổ kính thấy biển ở ngoài kia xa ngút mắt. Không còn qua cửa kính, mảnh vườn phơi ra trơ trẽn, chẳng một mầm xanh cây lá. Mấy chậu hoa ở bệ cửa sổ nát lẫn trong đống kính bể và linh tinh thứ vụn. Thằng con trai đã được gia đình bạn đem về nuôi, không cần treo áo khoác lên cây móc đã gãy nghiến dưới bàn tay sắt…
Nhận giải nhất của Đại hội điện ảnh Cannes 2014 về truyện phim, Zviaguintsev được đánh giá là một trong những nhà làm phim có khả năng đưa nghệ thuật thứ bảy lên cao. Ông tố cáo một nước Nga rượu chè và tham nhũng, một nước Nga bệnh hoạn, bệnh hoạn nặng – như một số nước khác trên hành tinh. Bối cảnh là nước Nga, nhưng cũng có thể là bất cứở đâu. Đề tài có vẻ phổ biến nhưng vẫn gây lạnh ở sống lưng, hay càng phổ biến càng gây lạnh, vì càng đi sâu vào phim càng thấy chẳng còn chút hy vọng nào có thể. Xuyên qua câu chuyện của gia đình này, Thủy quái gợi ý rất nhiều về tình trạng hiện thời của nước Nga. Andreï Zviaguintsev đưa ra một kiểu ngụ ngôn thời đại, đầy mỉa mai và thất vọng.
Phim dài 2 giờ 30 phút, bầu không khí trầm tịnh, u uẩn buồn. Khán giả im phắc theo dõi. Không tiếng di động reo, không lời rì rầm trò chuyện.
Mặc dù đề tài thật sự khó khăn tế nhị, bộ phim đã đạt được thành công về cách dàn dựng, lời thoại, diễn viên xuất sắc, chuyển tải thông điệp.
Một lòng tham, ba cuộc đời tan nát. Nhưng đây chỉ là một hạt cát thấy được trong biển Nga mênh mông. Truyện phim là chuyện đời thường hay hoàn toàn hư cấu còn tùy bối cảnh văn hóa xã hội mỗi nơi…
Xuân Sương
(Paris, tháng 10-2014)