Cư dân miền Tây Nam bộ thường cất nhà dọc theo các triền sông hay ven bờ kênh, rạch. Bước chân ra cửa là bước xuống xuồng ba lá hay ghe tam bản để chèo đến nơi cần đến. Trên các dòng sông, xẻo rạch đó, giấc trưa là các bà, các chị chèo xuồng rao: “Ai ăn sương sâm, sương sáo hôn!”.
Sương sáo là loại cây mọc hoang, cao ngang đầu gối người lớn, lá màu xanh mọc đối, hai mặt lá có lông, mép lá răng cưa, bông màu hồng nhạt, quả nhỏ hình trứng. Người ta lấy thân và lá sương sáo xay thành bột, nấu sôi rồi lọc lấy nước, thêm ít bột mì rồi lại nấu sôi lần nữa, khi nguội được một thứ keo đặc nhưng mềm, màu đen. Để sương sáo mau đông và giòn, khi nấu có người còn thêm ít nước tro. Sương sáo còn được gọi là thạch đen.
Sương sâm là loài dây xanh leo, lá màu lục đậm, phiến xoan, hoa vàng mọc ở nách lá hay ở thân già có lông mịn. Người ta hái lá sương sâm, vò nát trong chậu nước lạnh rồi lược bỏ xác để lắng một thời gian nước sẽ kết đông thành thạch có màu xanh lá cây. Có hai loại: sương sâm lá lông (lá và dây có lông tơ mịn) và sương sâm lá láng (lá trơn nhẵn, không lông), sương sâm lông khi vò thạch sẽ đông mịn, ăn ngon hơn sương sâm láng.
Ăn sương sâm, sương sáo với nước đường thắng hoặc đường cát. Xắt chúng thành từng miếng nhỏ cho vô ly rồi chan nước đường, thêm ít nước đá đập vụn hay nước đá bào, húp cái rột mà nghe thật khoan khoái giữa cái nắng chói chang ngày hè. Sương sáo, sương sâm còn có tác dụng giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.
Thạch Ba Xuyên