Kẻ mạnh, thực sự “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” trong mùa chuyển nhượng hè vừa kết thúc cách đây ít ngày ở châu Âu chỉ có thể là Manchester United (M.U). Câu lạc bộ xếp hạng 7 Premier League mùa giải trước đã chi gần 75 triệu euro để mua Angel di Maria từ Real Madrid, lập nên kỷ lục chuyển nhượng mới ở nước Anh. Trước đó, họ đã mua Ander Herrera, Luke Shaw và Marcos Rojo. Sau Maria, M.U tiếp tục đưa về sân Old Trafford ngôi sao đa năng của đội tuyển Hà Lan Daley Blind và trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, CLB này mượn được tiền đạo “hàng nóng” Radamel Falcao (Colombia) từ CLB Monaco của Pháp. Giá cho thương vụ cuối cùng này là 7,5 triệu euro kèm điều khoản có thể mua cầu thủ này vào mùa hè sang năm nếu trả thêm 58 triệu euro nữa cho Monaco. Lý do của việc “mượn” không phải vì M.U chưa muốn mua Falcao, cũng không phải vì thiếu tiền, mà để “lách luật” của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA). Một CLB sẽ bị coi là vi phạm luật công bằng tài chính (FFP) khi lỗ quá 45 triệu euro trong một mùa giải. Dù kiếm được rất nhiều tiền trong năm vừa qua nhờ hợp đồng tài trợ áo đấu của adidas cùng nhiều hợp đồng tài trợ với các đối tác khác, nhưng M.U cũng không thể nào chi quá nhiều tiền một lúc. “Để dành” Falcao cho mùa giải tới nhưng vẫn có sự phục vụ của anh này trong mùa giải đang diễn ra với cái giá chỉ 7,5 triệu euro là kế sách của “ông hoàng mua sắm” mùa giải 2014-2015. M.U chính là đội bóng chi nhiều tiền nhất Premier League, với tổng cộng 190 triệu euro cho việc mua và mượn cầu thủ, xấp xỉ một phần năm tổng số tiền các CLB tại Premier League chi ra. Lý do đã được chỉ ra từ trước: Nếu không mở hết hầu bao, họ sẽ mất cả chì lẫn chài. Chỉ cần không được dự cúp châu Âu thêm một mùa nữa, nguy cơ các ngôi sao hàng đầu rời đội, khán giả quay lưng, và cuối cùng các nhà tài trợ cũng ngoảnh mặt sẽ hiện hữu.
Tuy nhiên, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” chưa hẳn là kẻ mạnh nhất. Còn đó sức mạnh về thành tích và “khả năng” kinh doanh của đội bóng nữa, và khi đó người ta phải nhắc đến Real Madrid của doanh nhân Florentino Perez.
Bóng đá là thành tích, và trên bình diện châu Âu, có đội bóng nào giàu thành tích hơn Real Madrid của Chủ tịch Florentino Perez sau khi họ hoàn thành giấc mơ Decima (10 chức vô địch cúp C1/Champions League)? Tiếp đó, trong thời hiện đại, bóng đá là một ngành kinh doanh, có CLB nào kinh doanh tốt hơn Real Madrid, khi mà họ cứ vượt kỷ lục doanh thu của chính mình sau mỗi năm? Mùa giải vừa qua, Real Madrid là CLB bóng đá đầu tiên trong lịch sử vượt qua cột mốc 600 triệu euro doanh thu, cụ thể là 603,9 triệu euro đem về từ các hoạt động của CLB. Real là CLB thể thao số 1 thế giới về doanh thu và giá trị thương hiệu.
Ai nói là Real chỉ biết những hợp đồng bom tấn, kiểu chi ra 80 triệu euro cho cầu thủ James Rodriguez mùa này? Không như M.U mua giá đắt, còn bán thì rẻ như cho (kể cả cho… chính Real Madrid – cầu thủ người Mexico có biệt danh Chicharito vừa chuyển từ M.U đến Real theo hình thức cho mượn), Real còn thu lãi từ hoạt động chuyển nhượng của mình. Như mùa hè vừa qua, tổng giá trị mua cầu thủ của CLB này là 112,5 triệu euro, trong khi thu về 125 triệu euro từ việc bán cầu thủ (Di Maria, Xabi Alonso, Morata, Casemiro, Diego Lopez, Sahin và Jesus).
Có được vị thế đó, nên ông Florentino Perez dễ dàng làm chủ được tình hình, giải thích hợp lý nguyên do vì sao Real bán Di Maria cho M.U, một vấn đề nhạy cảm trong thời gian qua. Theo đó, việc bán Di Maria không phải vì cầu thủ này không có giá trị thương mại dù rất được lòng huấn luyện viên (Ancelotti) và cổ động viên Real như giới truyền thông nhận định, mà chỉ vì không muốn phá vỡ cơ cấu tài chính của đội! Di Maria “đã có đòi hỏi chính đáng về tài chính, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng”, theo lời ông Florentino Perez, và chỉ có thế!
Lý lẽ của kẻ mạnh cũng chỉ cần có thế.
- Địch Vân