Trong một lần chờ chuyến bay gần đây, tôi cố gắng lắng nghe xem những người xung quanh đang nói gì để kiểm tra trình độ tiếng Việt của mình. Tôi bị thu hút bởi một nhóm khách nữ trò chuyện rôm rả về những món đồ mua sắm trong kỳ nghỉ. Với vốn tiếng Việt ít ỏi, tôi đoán là họ đang so giá những thứ mình vừa mua. Thật thú vị bởi trong giáo trình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, người ta cũng dạy tôi về các con số đầu tiên. Những tình huống hội thoại liên quan đến con số cũng xuất hiện phổ biến nhất, ví dụ như bạn bao nhiêu tuổi, cái này giá bao nhiêu,… Ở điểm này văn hóa phương Tây có chút khác biệt. Trong các cuộc nói chuyện người ta ít hỏi thẳng bạn sinh năm nào, bao nhiêu tuổi, hoặc mua cái này bao nhiêu tiền. Thường thì người phương Tây bắt đầu với những câu chuyện về thời tiết hoặc thể thao.
Câu chuyện của những người phụ nữ cạnh tôi tập trung vào việc so xem ai mua được giá hời nhất ở chợ Đà Lạt. Sau những so sánh về giá trái cây và rau quả, họ so về quần áo. Chủ đề của họ không làm tôi ngạc nhiên. Thật ra phụ nữ ở đâu cũng quan tâm đến giá cả và thận trọng với việc chi tiêu. Điều làm tôi bất ngờ là kết thúc câu chuyện mọi người đều thất vọng sau khi so sánh giá cả với nhau. Dường như chẳng có ai bày tỏ sự hài lòng về chuyến đi.
Sau đấy lại có thêm vài người đàn ông tham gia vào câu chuyện. Họ chuyển sang kể cho nhau nghe về việc mua nhà. Lại toàn là các con số. Giá nhà đất nghe có vẻ thú vị hơn giá rau quả, nhưng cuối cùng, người đàn ông cũng tỏ vẻ thất vọng khi thấy mình mua nhà đắt hơn người khác mua.
Những câu chuyện này khiến tôi nghĩ đến một câu hỏi: vậy khi nào người ta mới thấy mình hạnh phúc? Cách nhìn cuộc sống kiểu nào tốt hơn? Giữa người thất vọng vì ai đó mua được cà rốt giá rẻ hơn mình và người vui vẻ vì có củ cà rốt – ai hạnh phúc hơn?
Những người nghèo có khi lại may mắn hơn người có tiền. Họ không bàn bạc nhiều về chuyện tiền bạc. Họ không biết người giàu kiếm được bao nhiêu tiền. Mà như vậy lại tốt hơn vì họ cũng không biết mình nghèo đến mức nào. Họ có vẻ hài lòng với việc có thức ăn trên bàn và có nhà để ở chứ không bận tâm so sánh giá cả với người khác. Việc so sánh giá cả và muốn mình được lợi nhiều hơn là biểu hiện của sự tham lam và ganh tỵ. Ở các nước phương Tây, tôn giáo dạy rằng ghen tỵ là một trong mười điều xấu. Để có chất lượng cuộc sống tốt hơn, đừng bận tâm hàng xóm của mình mua món đồ gì, giá bao nhiêu mà hãy vui với những gì mình đang có.
Renate Haeusler
Lê Tâm dịch